Thứ Sáu, 25/10/2024 02:33 SA
Xuân về trên vùng đất lành
Thứ Hai, 08/02/2016 00:00 SA

Đường về làng Dao - Ảnh: HOÀI NAM

Ở thôn Chư Plôi, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), một cộng đồng người đồng bào dân tộc Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc đã di cư đến lập nghiệp. Bao năm qua, người làng Dao ở đây chú trọng trồng giống lúa lai năng suất cao vượt trội, chung tay làm đường bê tông mới, giữ gìn các nghề truyền thống... Làng khởi sắc, bà con dân tộc Dao đón tết vui hơn, đầm ấm hơn.

 

LÀNG… LÚA LAI

 

Làng Dao nằm trải dài dưới chân núi Hòn Đen. Làng hiện có 55 hộ dân tộc Dao sinh sống, họ đến từ 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên vào thôn Chư Plôi lập làng từ năm 2008. Từ khi bước chân đến đây, người làng Dao đã ngăn nước suối chảy ra từ núi Hòn Đen để trồng lúa nước. Sáng, bà Đặng Thị Lụa ở làng Dao ra cánh đồng Trại Bò phía sau làng thăm ruộng lúa. Nhìn đám lúa vừa ra lá non xanh mượt, bà Lụa nói: Cánh đồng này gieo trồng toàn lúa lai, giống lúa trước đây mang từ ngoài Bắc vào. Lúa lai thời kỳ mạ non lá to “bè” nhìn thật là mát mắt. Thời kỳ trổ đòng, gié dài hơn gang tay người lớn, hạt lúa sáng chắc, bóng mẩy.

 

Người làng Dao trồng lúa trên cánh đồng Đội 5, Đội 6 và đồng Trại Bò. Ông Triệu Văn Học ngồi bên bờ ruộng, nói: Mấy năm nay, cứ gần đến tết, lúa lai lại xanh bạt ngàn từ cánh đồng này đến ruộng đồng thôn Ea Mkeng (xã Ea Bar).

 

Ông Học kể, hồi mới vào Ea Bar, người làng Dao chủ yếu trồng giống lúa thuần ở địa phương; giống lúa yếu, cây rạ khô gié chưa kịp chín, có năm gặp mưa kéo dài lúa ngã đổ lâu ngày “muối” bùn đất, nông dân thu hoạch lúa rồi mang ra suối rửa bùn. Trong khi đó, một số người mang giống lúa lai từ ngoài Bắc vào sạ 1 sào lúa thấy đạt năng suất cao, qua vụ sau tìm mua giống lúa lai nhân rộng cả thôn. Về sau có người ở các thôn lân cận đến đây hỏi tôi cách sạ giống lúa lai. Họ không tin vì lâu nay gieo sạ 10kg/sào đã thấy “nhẹ” tay, trong khi gieo lúa lai chỉ 4kg/sào. Nhưng thực tế, lúa lai đẻ nhiều nhánh, đến khi trổ đòng, gié lúa dài nặng hạt, ai đi qua cánh đồng cũng trầm trồ. Hiện toàn thôn có 46ha lúa lai. Lúa lai cứng cây, không bị đổ ngã. Cầm bó lúa lai nặng tay hơn gấp nhiều lần bó lúa thuần ở địa phương.

 

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết: Trồng lúa lai hiệu quả cho thấy rõ nhất là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, ít sâu bệnh. Lâu nay, lúa thuần trồng tại địa phương năng suất chỉ đạt 60 tạ/ha, còn lúa lai năng suất đạt trên 80 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Ea Bar, Ea Ly là các xã đầu tiên trong huyện sản xuất lúa lai, từ đó nhân rộng ra trên toàn huyện Sông Hinh.

 

Thiếu nữ làng Dao dệt thổ cẩm - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

LƯU GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

 

Về Chư Plôi những ngày giáp tết, chúng tôi cảm nhận không khí mùa xuân tràn ngập trên khắp thôn, xóm. Những ngôi nhà mới mọc trên những con đường bê tông uốn lượn, quanh co bên ruộng lúa, rẫy sắn, cà phê bạt ngàn, xanh mướt. Đây đó bên các giếng nước, quần áo mới cùng những chiếc váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu được các bà, các chị mang ra giặt giũ, phơi phóng. Ở Chư Plôi này, phụ nữ Dao không chỉ chăm lo cho chồng con, ruộng rẫy mà những lúc ngơi công việc đồng áng, các bà, các mẹ lại cần mẫn dệt vải. Từ đôi tay tỉ mỉ, khéo léo của họ, họa tiết cây, cỏ, hoa, lá, chim muông hiện lên rực rỡ sắc màu trên những chiếc khăn quấn đầu, áo, yếm, xà cạp - những thứ không thể thiếu trong trang phục truyền thống của người Dao.

 

Ở làng Dao này, ai cũng biết đến tay nghề dệt thổ cẩm của bà Triệu Thị Viên. Đã 62 tuổi nhưng đôi tay của bà Viên vẫn lướt thoăn thoắt trên khung dệt. Hơn 10 năm di cư vào Sông Hinh lập nghiệp, trong lòng bà Viên cũng như các bà Triệu Thị Anh, Đặng Thị Lụa… vẫn không nguôi nỗi nhớ nghề dệt, nhớ bản làng, xứ sở Tây Bắc. Vì vậy, khi cuộc sống dần ổn định, họ lại dệt vải. “Tuy bây giờ người Dao chỉ mặc trang phục thổ cẩm trong những dịp đặc biệt như lễ, tết, cưới hỏi nhưng đây là nghề truyền thống của dân tộc chúng tôi. Dù có đi đâu thì mình cũng phải giữ gìn để lớp trẻ sau này không bị mất gốc”, bà Viên nói.

 

Lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đã trở thành mong muốn chung của những người lớn tuổi ở làng Dao. Ông Đặng Nguyên Phấn, hơn 70 tuổi, một trong những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Chư Plôi mỉm cười phấn chấn khi chứng kiến cuộc sống của bà con ngày một khởi sắc. Ông càng vui hơn khi những nét đẹp văn hóa và phong tục tập quán của người Dao được giữ gìn. Mỗi năm vào ngày giáp tết, theo truyền thống, bà con trong làng đều gói bánh chưng dài (bánh gù) để dâng lên cúng tổ tiên. Trước đó, đàn ông trong làng lên núi Hòn Đen hái những tàu lá dong xanh ngắt, lành lặn và to bản để gói bánh chưng. Theo họ, làm như vậy thì đời sống gia đình trong năm mới sẽ no ấm và may mắn. Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng dịp Tết Nguyên đán của người Kinh. Mâm cỗ ngày tết của người Dao ngoài bánh chưng, bánh gù, bánh khảo đặc trưng còn có thịt heo, thịt gà, rượu… để dâng lên bàn thờ tổ tiên với mong ước một năm yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người già, con trẻ đều mạnh tay, khỏe chân…

 

Theo lời ông Phấn, nói đến các phong tục truyền thống của người Dao không thể không kể đến lễ cấp sắc, thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 âm lịch hoặc tháng Giêng hàng năm - khoảng thời gian nông nhàn. Theo quan niệm, người đàn ông Dao chỉ khi nào được cấp sắc mới được coi là trưởng thành. Người đã trải qua lễ cấp sắc mới biết phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương. Những ngày diễn ra lễ cấp sắc giống như ngày hội của cả dòng họ và làng bản người Dao.

 

HOÀI NAM - NGỌC DUNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek