Thứ Sáu, 25/10/2024 00:22 SA
Khởi sắc vùng cao
Thứ Sáu, 12/02/2016 08:00 SA

Cây mía đang là cây trồng chủ lực, tạo ra thu nhập cao cho đồng bào miền núi - Ảnh: MINH DUYÊN

Ðến vùng cao Phú Yên hôm nay, những tuyến đường bê tông sẽ đưa mọi người tới tận những thôn xóm xa nhất. Xen giữa màu xanh của mía, bắp, sắn là những ngôi nhà mới khang trang. Ðồng bào có nước sạch sinh hoạt, hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống đầy đủ hơn. Cái đói, cái nghèo cũng dần được đẩy lùi.

 

THÔN, BUÔN ĐỔI MỚI

 

Hiện nay, bộ mặt vùng miền núi trong tỉnh đã thay đổi đáng kể, đời sống đồng bào ngày càng ổn định. 100% thôn, buôn được sử dụng điện lưới quốc gia, 74,8% hộ dân trong thôn được dùng nước hợp vệ sinh… Tuy nhiên, thời gian đến, tỉnh cần tiếp tục đầu tư để khu vực miền núi phát triển nhanh, bền vững và ổn định hơn…

 

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Hữu Đại

Trước đây, chỉ nghĩ đến việc đi tới các thôn, buôn ở các xã vùng cao như Phú Mỡ, Xuân Phước, Xuân Quang 2… (huyện Đồng Xuân), Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Phước… (huyện Sơn Hòa), Ea Lâm, Sông Hinh… (huyện Sông Hinh) thì ai nấy đều e ngại, bởi đường gập ghềnh đá dốc, xa xôi cách trở. Có lẽ vì thế mà vùng cao đã xa lại càng xa hơn. Cuộc sống đồng bào cũng bó hẹp trong thôn, buôn mình. Nhưng nay, khi những tuyến đường đã vươn tới đây, kéo theo đó là điện, rồi giao thương buôn bán mở ra thì khoảng cách giữa đồng bằng với miền núi được “níu” lại gần hơn.

 

Đã 79 năm trôi qua, già làng Ma Nghĩa ở thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ) chứng kiến biết bao đổi thay ở thôn, xã mình. Ma Nghĩa mỉm cười nói: Bây giờ, người Ba Na, người Chăm H’roi và cả những đồng bào dân tộc thiểu số khác sinh sống ở 5 thôn trong xã Phú Mỡ mới có cuộc sống ổn định, ấm no. Nhờ Đảng và Nhà nước xây trường học, trạm y tế, làm đường bê tông và kéo điện, mang nước sạch tới, nên đồng bào được học cái chữ, được chăm sóc sức khỏe. Từ đó, đồng bào biết làm ruộng, rẫy giỏi hơn, có thu nhập cao hơn. Ngày xưa, đôi chân già đi hàng cây số lên rẫy làm nông bằng cái rựa, cái gùi, nay con cháu trong thôn đi xe máy, lái máy cày… Phú Mỡ 5 năm, 10 năm trước còn cô lập lắm, muốn tới được các thôn phải băng qua suối cái. Mùa nước cạn còn đi được chứ nước dữ thì đành chịu. Nay có đường rồi, nông sản được chở bằng xe tải tới tận trung tâm xã, huyện nên bán được giá cao hơn, người dân có điều kiện mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Giờ trong thôn, chẳng còn ai phải lo cái đói, cái rét nữa.

 

Đảng và chính quyền quan tâm đầu tư, đồng bào cả tỉnh hướng về, nhiều người nghèo miền núi được đón tết trong ngôi nhà mới kiên cố và có bò, cây giống cho sản xuất vụ mùa mới. Theo Văn phòng Tỉnh ủy, trong năm qua, từ mô hình cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo theo Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 37 hộ nghèo miền núi được hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng xây 37 nhà kiên cố, 24 hộ được tặng bò giống với tổng trị giá hơn 147 triệu đồng. Anh Rơ Ô Y Lơ ở thôn Độc Lập A, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mái ngói diện tích 50m2, cho biết: Đã bao năm nay, tết nào gia đình tôi cũng đón năm mới trong ngôi nhà dột nát. Làm nông tích lũy chẳng được bao nhiêu, lại phải nuôi con nhỏ nên hai vợ chồng chưa dám mơ sẽ có nhà kiên cố để ở. Giờ được giúp đỡ xây nhà, có chỗ ở ổn định, gia đình mới có được cái tết ấm đầu tiên.

 

NGƯỜI DÂN LÀM GIÀU

 

Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển kinh tế, đồng bào miền núi không chỉ giảm nghèo bền vững mà còn biết vươn lên làm giàu; 20% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm từ trồng mía, nuôi bò, trồng rừng và làm trang trại. Họ cũng biết áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào canh tác và mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất để phát triển chuyên canh. Họ còn biết vừa làm nông nghiệp vừa làm dịch vụ phục vụ cho chính bà con trong thôn, xã mình.

 

Ma Min ở buôn Quen, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), được mọi người biết tới là người tiên phong trong phá thế độc canh đi vào sản xuất đa canh. Mô hình nông lâm kết hợp của gia đình Ma Min cho thu nhập hàng năm từ 120-150 triệu đồng. Ma Min cho biết: Hơn 10 năm trước, gia đình tôi còn thuộc diện hộ nghèo, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 5 triệu đồng làm kinh tế. Tôi mua 2 con bò sinh sản và khai hoang 3ha đất rẫy. Giờ trang trại của tôi đã có 50 con bò cùng 8ha đất trồng cao su và hoa màu các loại.

 

Còn Ma Báu ở thôn Ma Lúa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), nhờ sản xuất nông nghiệp cho lãi bình quân 100 triệu đồng/năm, nên không khó để xây nhà gỗ khang trang trị giá hơn 400 triệu đồng theo kiến trúc của dân tộc Chăm H’roi. Ma Báu chia sẻ: Gia đình tôi có 20ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó 10ha trồng lúa, sắn, bắp, 10ha trồng rừng. Chúng tôi còn nuôi 60 con bò và mua máy cày phục vụ nhu cầu sản xuất trong thôn.

 

 

 

MINH DUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek