Thứ Hai, 28/10/2024 00:15 SA
Dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng tiếp cận mới
Thứ Hai, 21/12/2015 07:49 SA

Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) tham gia học nghề trồng hoa, cây cảnh. Trong ảnh: Các học viên nông dân thực hành tạo dáng bon sai - Ảnh: T.HIẾU

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết:

 

- Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là yêu cầu có tính cấp thiết. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa bàn nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề và tư vấn miễn phí về dạy nghề cho trên 5.000 lao động nông thôn. Riêng công tác đào tạo nghề, trong 6 năm qua, trung tâm đã mở 35 lớp tại 6/9 huyện, thị, thành phố với 1.011 lao động; trong đó có 25 lớp nghề nông nghiệp và 10 lớp nghề phi nông nghiệp, tổng kinh phí thực hiện hơn 1,6 tỉ đồng. 

 

* Thực tế cho thấy, nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề nhưng sau khi tốt nghiệp họ không theo nghề, không tìm được việc làm. Theo ông, nguyên nhân là gì? 

 

- Hiện nay, hơn 25% số lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề vẫn không tìm được việc làm; trong đó hầu hết đều rơi vào số lao động học nghề phi nông nghiệp. Nguyên nhân là do công tác khảo sát, thống kê của các cấp Hội nông dân về thực trạng lao động và nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương chưa được làm tốt; một số nơi chưa kết nối hiệu quả giữa công tác dạy nghề với công tác hỗ trợ vốn, cây, con giống cũng như định hướng phát triển các mô hình liên kết giữa lao động được đào tạo nghề để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình; một số lao động nông thôn lựa chọn nghề học còn chưa phù hợp dẫn đến bỏ nghề. Ngoài ra, công tác liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn hạn chế nên nhiều nông dân sau khi tốt nghiệp khóa học không tìm được việc làm đành phải bỏ nghề. 

 

Mặt khác, việc tham gia đào tạo nghề phi nông nghiệp trong điều kiện Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh còn nhiều khó khăn như: đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu, chưa được cấp kinh phí phục vụ cho hoạt động thường xuyên hàng năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp và thiếu thốn… cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết đầu ra cho lao động nông thôn. 

 

* Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân tỉnh có những giải pháp, kế hoạch gì, thưa ông? 

 

- Rút kinh nghiệm từ công tác đào tạo nghề trong các năm trước, năm 2015, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các địa phương khảo sát thật kỹ các đối tượng học nghề và dạy nghề theo nhu cầu của người dân để từ đó tổ chức mở lớp mang lại hiệu quả cao. Theo đó, từ đầu năm đến nay, trung tâm này đã mở 9 lớp nghề; trong đó có 7 lớp nghề về nông nghiệp và 2 lớp nghề phi nông nghiệp. Sau 3 tháng đào tạo, tất cả học viên tham gia lớp nông nghiệp và trên 75% học viên lớp phi nông nghiệp đều ứng dụng được vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. 

 

Đồng thời, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên, nông dân về công tác đào tạo nghề; tăng cường đầu tư, hỗ trợ về vốn cho lao động nông thôn sau học nghề để họ có điều kiện sử dụng chính nghề đã được học để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, gắn với nhu cầu việc làm để phát triển sản xuất ở từng địa phương cũng như khả năng sử dụng lao động của doanh nghiệp để đào tạo nghề phù hợp; mở rộng hoạt động liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo nghề khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. 

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Việc mở rộng đào tạo nghề theo “đặt hàng” của các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân cần được khuyến khích; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đối tượng bị thu hồi đất ở các địa phương có các công trình trọng điểm phục vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong quá trình đào tạo, chương trình, hình thức, phương thức đào tạo cũng như phương pháp truyền đạt cần linh hoạt sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể như dạy vào ban đêm thay vì ban ngày, dạy vào lúc thời vụ nông nhàn, dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”… Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải có hướng tiếp cận mới linh động, thiết thực hơn thì chất lượng chắc chắn sẽ nâng cao.

 

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Đại Thắng

 

TRUNG HIẾU (thực hiện)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek