“Bộ mặt thôn xóm bây giờ không chỉ làm chúng tôi hãnh diện. Ở đây chúng tôi còn có bài học quý giá về sự tích góp, chắt chiu để làm được nhiều việc cho dân của lớp người đi trước”. Lời khẳng định của khu phố phó Nguyễn Tia đã thôi thúc tôi đến làng biển Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) để nghe chuyện.
Con đường ở Đông Tác được trải nhựa từ nguồn tiền tích góp – Ảnh: P.OANH
Hồi tưởng chuyện hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Chí Long, 75 tuổi, thành viên Chi hội Người cao tuổi ở khu phố Đông Tác, phường Phú Lâm kể: “Chỉ cách trung tâm huyện ba cây số, vậy mà hồi ấy, đêm ở nơi này, chỉ lọ mọ đèn dầu”. Niềm ao ước kéo điện cho dân đã thúc giục cán bộ địa phương hạ quyết tâm: phải tìm cách để xây dựng lưới điện trong khóm. Vậy là “Ban vận động” xây dựng công trình điện của khóm được lập ra. Ban có 5 người, gồm trưởng khóm, trưởng lạch, 2 người là đại diện trong dân và ông Long - bà con vẫn gọi là bác Tám - đại diện người cao tuổi của khóm. Chuyện quản lý việc xây dựng lưới điện thì tạm ổn, nhưng lấy tiền từ đâu? Loay hoay tìm cách cuối cùng giải pháp đưa ra là vận động dân đóng góp. Mức góp qui định 300 ngàn đồng một hộ, nhưng nhiều hộ nghèo đến độ chỉ đóng được 50 thậm chí 20 ngàn đồng. Lại phải “chạy” xin hỗ trợ một ít, còn phần chủ yếu là cán bộ khóm đứng ra vay tiền của ngân hàng. Bác Tám Long nói: “Công trình điện làm xong chỉ có 369 triệu đồng mà cán bộ khóm tất tả chạy ngược chạy xuôi”. Đến đầu năm 1996, điện lưới bắt đầu được kéo về. Bà con mừng lắm! Bác Tám Long giữ nhiệm vụ giám sát mọi khoản thu chi. Trước khi về hưu, là Phó Giám đốc Công ty Xây dựng cầu đường ở miền Bắc, nên bác Tám có kinh nghiệm tổ chức công việc. Bây giờ nhận giữ tiền cho khóm, bác càng thận trọng, kỹ lưỡng trong tính toán. Bác bảo: “Bà con mình nghèo, đồng tiền chắt mót khó khăn lắm nên chi một đồng cũng suy tính cho kỹ, cho rõ ràng chứ không thể tùy tiện được”. Mỗi tháng, tiền điện thu về được tính toán trả cho chi nhánh điện. Một ít thừa lại sẽ đem gửi vào tài khoản của khóm ở ngân hàng. “Đây coi như nguồn vốn, mỗi khi lưới điện có trục trặc sẽ trích ra sửa chữa”. Sau đó, “Ban vận động” quyết định xây thêm một trạm điện nữa để tránh quá tải, rồi nghĩ đến chuyện kéo điện đến các hộ nghèo ở cuối xóm. Chỉ một năm sau đó, những nhà nghèo nhất trong xóm cũng đều có điện. Vậy là nguyện vọng mang ánh sáng điện về cho dân đã thỏa mãn.
Đồng tiền tích góp mỗi tháng từ phần dôi ra của quĩ tiền điện lâu dần tăng lên kha khá. Phấn khởi quá, cán bộ khóm nảy ra ý định làm lại con đường chính đi lại trong khóm cho khang trang sạch sẽ. Thế là năm 2001, với 50% kinh phí được nhà nước hỗ trợ cùng khoản dôi của quỹ tiền điện, tổng cộng khoảng 800 triệu, Đông Tác đã có con đường, một đoạn được tráng nhựa và một đoạn bê tông hóa, dài hơn 1,5 km rộng rãi quang đãng, chạy từ đầu khu phố ra tận bến cá. Từ khi có con đường này, thôn xóm thêm sạch sẽ khang trang. Hai bên đường, những ngôi nhà kiên cố cũng bắt đầu mọc lên. Bác Tám kể: “Bà con mình phấn khởi lắm! Tin ở cán bộ khóm, họ càng tích cực làm ăn, đóng góp xây dựng thôn xóm. Nhiều gia đình tự nguyện phá dỡ hàng rào để hiến đất mở đường. Có nhà hai cụ già chỉ có 5 cây dừa để dành bán trái dưỡng già bấy lâu, nhưng đến lúc này cũng sẵn sàng chặt bỏ để làm đường. Rồi phần tiền đóng góp ban đầu để kéo điện, sau này bà con cũng không lấy lại mà tự nguyện sung vào quĩ chung”.
Vững tin ở bước ban đầu, mọi người lại mạnh dạn đề đạt chuyện tích góp để xây dựng, sửa chữa nhiều khu sinh hoạt chung trong khóm. Với sự hưởng ứng đóng góp của một số hộ khá cùng khoản tiền tích góp dần của quĩ tiền điện, đến nay 400m2 sân trường Tiểu học số 3 được bê tông hóa, các cháu nhỏ đã có chỗ vui chơi sạch sẽ. Trường mẫu giáo trong khóm được xây dựng với chi phí gần 700 triệu đồng. Với khoản tiền tích góp hàng tháng, địa phương có điều kiện tu bổ lăng, miễu, đình làng, trang bị một chiếc xe tang và ủng hộ bà con nghèo, neo đơn, người bị nạn… Suy ngẫm lại chuyện cũ, bác Tám khẳng khái nói: “Kinh nghiệm cho thấy quan trọng nhất là cái tâm của người cán bộ. Cứ coi việc chắt chiu, tiết kiệm, tích góp của dân như của chính mình. Đừng để manh nha trong đầu ý nghĩ bòn xén tiền của dân, dù chỉ một chút”.
Trường mẫu giáo khu phố 6 (Đông Tác) được xây dựng nhờ tiền do nhân dân trong khu phố đóng góp - Ảnh: P.OANH
Sau gần 10 năm thuộc quyền quản lý của khóm, đến năm 2003, công trình lưới điện Đông Tác đã được bàn giao lại cho chi nhánh điện Phú Lâm. Nhớ một thời đi thu tiền và tích góp, bác Tám cười sảng khoái, kể: “Nhà bác không có cái tủ để cất tiền cho chắc chắn. Mỗi khi tiền điện thu về chưa đi nộp được ngay, bác phải đào đến nửa thùng phuy lúa để giấu tiền ở giữa. Cứ hai ba ngày, ông trưởng khóm Hai Đọc lại chạy tới nhắc nhở: “Có chút vốn của dân, bác nhớ coi ngó cho cẩn thận”.
Phó khu phố Nguyễn Tia cho tôi biết: “Đông Tác đã thoát nghèo từ trước năm 2000. Hơn thế, 5 năm qua, khu phố có thêm những bước tiến vượt bực trong phát triển kinh tế bằng nghề câu cá ngừ đại dương. Với sự động viên khuyến khích của cán bộ Ban nhân dân khóm, nhiều ngư dân đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền để ra khơi đánh bắt.
Làng biển này hiện có 297 tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên và 40 thuyền nhỏ hoạt động ven bờ. Nhiều người làm nghề biển ở Đông Tác có thu nhập khá, nhà cửa đã khang trang kiên cố. Hầu hết các gia đình đều sắm phương tiện, trang bị thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, như xe máy, tivi, cát xét; trên 60% số hộ đã lắp đặt máy điện thoại. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình chăm lo sự nghiệp giáo dục đều đã được triển khai sâu rộng đến tận cùng thôn xóm. Đời sống khấm khá, hàng năm bà con đều tự nguyện đóng góp tiền để cùng tổ chức cúng đình làng, lễ hát cầu ngư… Chị Lê Thị Cẩm Vân, Chi hội Trưởng chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường Phú Lâm cho biết: Chi hội Phụ nữ khu phố đã xây dựng Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3. Chị em đều đặn tham gia sinh hoạt định kỳ. Bên cạnh đó, các mô hình tổ tàu thuyền an toàn, tổ hòa giải, gia đình, dòng họ tham gia bảo vệ vùng biển… chính là những cầu nối, làm cho người dân trong khu phố ngày càng đoàn kết, gắn bó và phấn khởi vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày này, cán bộ Ban nhân dân khóm, chi hội Nông dân cùng các thành viên trong ban lạch khu phố đang tất bật chuẩn bị cho lễ hội hát Lăng sắp diễn ra. Phó khu phố Nguyễn Tia vui mừng khoe: vụ mùa năm nay, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Đông Tác đang trên đà thắng lớn, nhiều chiếc cập bờ là “trúng” đến trăm rưỡi hai trăm triệu. Chính vì vậy, bà con muốn tổ chức lễ hội thật to, tạ ơn và cầu thánh thần tiếp tục phù hộ cho bà con Đông Tác làm ăn được mùa như thời gian qua. Anh em trong Ban nhân dân khóm chúng tôi hạ quyết tâm làm một lễ hội thật rôm rả, theo đúng nguyện vọng của bà con khu phố. Đi qua từng ngõ xóm, nhìn nét mặt rạng ngời niềm vui của người Đông Tác, tôi tin, hạnh phúc đang đến với những người dân nơi này thật trọn vẹn.
PHƯƠNG OANH