Đi bộ đội từ thời kháng Pháp, tham gia chiến dịch Atlante, cùng lũ làng nuôi cán bộ trong rừng sâu, sau giải phóng về tham gia công tác chính quyền địa phương, trở thành người có uy tín bậc nhất ở buôn làng... Đó là già làng Ma Roan ở buôn Ma Lúa, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa.
Già làng Oi Roan - Ảnh: Q.THANH
Đã bước sang tuổi 87, sức khỏe không còn tốt, nhưng Oi Roan rất minh mẫn. Bằng chất giọng trầm ấm, nói tiếng Kinh sõi, vị già làng lớn tuổi nhất trong buôn của người Chăm H’roi này nhớ lại: “Năm 1945, tôi đi bộ đội Ma Trang Lơn để chống thằng giặc Pháp hung ác. Tôi được biên chế vào tiểu đoàn 10, trung đoàn 84, tham gia đánh Tây ở Hai Riêng, Sông Hinh”. Cho đến năm 1952, anh bộ đội Rơ Chăm Tôi (tên ông thời trai trẻ) về lại buôn làng và tham gia lực lượng chống càn Atlante, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam đi đến thắng lợi, buộc bọn thực dân phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneve năm 1954.
“Nhưng thằng Mỹ nó còn hung ác hơn thằng Pháp. Bom đạn của chúng nó đổ xuống làm rách rừng rách núi Ma Lúa. Hồi đó, buôn chỉ có hơn 20 cái nhà mà cái nào cũng bị bom Mỹ làm cháy, làm sập. Lũ làng nhiều người chết lắm” – Oi Roan bùi ngùi nhớ lại. Cái cung, cái nỏ, cái chông không thể đối đầu trực diện với máy bay và bom đạn Mỹ. Bọn cướp nước và tay sai còn đến Ma Lúa rào “ấp chiến lược”. Vì mất tự do, dân làng Ma Lúa đã “di cư” vào vùng núi rừng. Có lúc họ ở Chư Prông, lúc ở Chư Hlang, nhưng nơi ở vững chắc và lâu dài nhất là vùng rừng trong núi Cà Te. Ở đó, dân Ma Lúa đã nuôi dưỡng cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Yên. Riêng Oi Roan (khi đó được biết đến với cái tên Ma Hoang) còn được cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc. Ông nhớ lại: “Vợ chồng tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng một cán bộ của tỉnh có tên là Ma Định, sau này tôi mới biết đó là ông Huỳnh Trúc (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy) đấy!”. Ông kể, trong rừng Cà Te, vào một đêm tối trời, ông đã gặp được đồng chí Huỳnh Trúc và một số đồng chí khác. “Ông Trúc khi đó bị thương ở chân. Ổng đi ban đêm, vấp vào một gốc cây lớn nên bàn chân bị nứt ra, bị thương nặng lắm, không đi được”. Theo lời đồng chí Huỳnh Trúc thì khi đó ông là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên, khi bị thương được Ma Hoang cõng lên trên núi cao rồi vợ chồng ông tìm thuốc nam, chữa lành vết thương cho ông. Đồng chí Huỳnh Trúc nói: “Ông ấy là người đã cứu sống tôi”.
Rồi thì giặc Mỹ và tay sai cũng thua. Tháng 4/1975, Phú Yên, rồi sau đó là toàn miền
Bây giờ, là người cao tuổi nhất buôn Ma Lúa, Oi Roan tiếp tục có những đóng góp với buôn làng, với xã hội. Ông là người luôn được chính quyền xã, thôn mời đến mỗi khi có việc cần nói, cần tuyên truyền với bà con dân làng. “Uy tín và đạo đức của Oi Roan khiến cả buôn Ma Lúa này nể trọng. Ai cũng nghe theo lời của vị già làng cách mạng này cả” – ông Ma Báu, Trưởng buôn Ma Lúa cho biết.
QUỐC THANH