Tại TP Huế, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo khu vực miền Trung và Tây Nguyên về thực hiện chính sách giảm nghèo, với sự tham dự của đại diện 15 tỉnh trong khu vực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe về tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. So với các vùng trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội ở miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Hiện khu vực có 42 huyện nghèo được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị quyết 30a, có 216/311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 621/1.761 xã đặc biệt khó khăn, 1.212/2.844 thôn buôn đặc biệt khó khăn. Các tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, đất đai, tín dụng, thương mại, giáo dục, văn hóa, y tế... Cụ thể, về chính sách khám chữa bệnh, mỗi năm Nhà nước chi phí hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/người/năm, về giáo dục bình quân mỗi năm hỗ trợ từ 3 đến 10 triệu đồng/học sinh; vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo...
Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo khu vực miền Trung - Tây Nguyên gần 17,4%, gấp 1,8 lần so với bình quân cả nước (năm 2012), khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng hơn. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 3 đến 5%/năm ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc, nhưng tỉ lệ nghèo ở khu vực này vẫn còn rất cao, nhiều huyện nghèo, nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, có nơi đến 70%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/5 thu nhập bình quân cả nước...
Để cải thiện điều kiện sống cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhiều đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù theo hướng cơ chế, chính sách phải xuất phát từ nhu cầu của chính đối tượng, đặc thù của khu vực. Không nên thiết kế chính sách ngắn hạn, bổ sung một số chính sách mang tính trợ giúp trực tiếp như hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo giáp biên giới; chính sách cần tập trung hỗ trợ hộ gia đình, bảo đảm đủ mức để chuyển biến thật sự. Cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Theo TTXVN