Thứ Hai, 07/10/2024 23:23 CH
Máy gặt về, nghề đan gióng dần mai một
Thứ Sáu, 13/09/2013 14:00 CH

Vài năm trở lại đây, khi máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng thì hình ảnh đôi quang gánh cũng dần trở nên hiếm hoi. Người làm nghề đan gióng cũng tản mác làm những công việc khác tìm sinh kế.

 

130913.jpg

Hình ảnh người dân dùng gióng gánh lúa đang dần trở nên thưa thớt - Ảnh: T.HÀ

LÀNG NGHỀ ĐAN GIÓNG

Thôn Phú Khánh (xã Hòa Tân Tây, Tây Hòa) và một số thôn lân cận có nghề đan gióng được xem là truyền thống. Cách đây khoảng 20 năm, già trẻ, gái trai trong làng ai cũng thông thạo nghề này. Cứ vào mỗi vụ thu hoạch lúa, gióng được làm ra ở xã Hòa Tân Tây có mặt ở khắp các huyện gần, huyện xa. Nghề làm gióng cũng trở thành công việc làm ra cơm áo, gạo tiền của nhiều thế hệ người dân ở đây.

Làm gióng căn bản cần 2 loại mây. Một là loại mây sợi lớn (mây song, mây chái, mây nước, mây rả, chà phun…) để làm các tao gióng (mỗi tao 2 sợi mây); một loại mây sợi nhỏ (mây rắc) để cố định phần đầu của gióng, giúp cho đôi gióng gọn gàng, thẩm mỹ hơn. Để có mây làm gióng, những người trai trẻ, khỏe trong làng phải lên rừng bứt mây. Thời gian các chuyến đi khác nhau; lúc thì một chuyến dài cả tháng lên vùng núi Sông Hinh (Phú Yên) hoặc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk; lúc thì đi về trong ngày ở những núi gần như: núi đèo Cả (Đông Hòa), núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa).

Cách đây khoảng 10 năm, máy gặt đập liên hợp chưa về các ruộng nên mỗi khi vào vụ thu hoạch, đa số người dân phải cắt lúa bằng câu liêm và gánh lúa bằng đôi quang gánh. Gióng dùng để gánh lúa nhà, sau đó là đi gánh thuê hay trả công (những người có ruộng gánh lúa qua lại, không phải trả tiền) nên nhu cầu mua gióng của người dân rất cao. Để có gióng bán, người làm gióng thôn Phú Khánh đã trữ mây từ nhiều tháng trước đó; rồi cứ vào vụ, người làng thức thật khuya để thắt gióng. Sáng sớm hôm sau, khi buổi chợ phiên bắt đầu, những người phụ nữ lục đục dậy sớm, nhóm rơm, hun khói các đôi gióng để cháy bớt các phần mây xừ không cần thiết, đồng thời làm nổi lên màu sáng bóng của mây rồi cột thành từng chục mang ra chợ. Họ tản mác đi khắp nơi, nhưng chủ yếu là các chợ Hòa Mỹ, Phú Thứ, Phú Nhiêu (Tây Hòa), chợ Đông Mỹ, Hòa Xuân (Đông Hòa), chợ Tuy Hòa (TP Tuy Hòa). Gióng Tây Hòa còn được bán ở tận Ninh Hòa (Khánh Hòa). Gặp các bà, các mẹ đi trên đường trong những ngày này, thường nghe họ hỏi nhau í ới: Hôm nay bán được bao nhiêu đôi gióng? Chợ nào đắt, chợ nào ế?

Ông Trần Văn Điền, Trưởng thôn Phú Khánh cho biết: “Không chỉ sử dụng khi vào vụ thu hoạch lúa, đôi gióng còn được dùng để gánh rơm, gánh lúa xay gạo, xay bột, gánh rau đi chợ… Gióng cần thiết, gắn bó với người dân nông thôn và đã từng là một phần quan trọng trong sinh hoạt của họ. Ngày trước, đa số người dân thôn Phú Khánh làm nghề thắt gióng. Cách đây vài ba năm, máy gặt đập liên hợp về nên số người làm gióng chỉ còn khoảng 1/10 trước đây, theo đó số gióng bán ra cũng không được bao nhiêu. Nghề này đang dần mai một”.

IM ẮNG KHI VÀO VỤ

Hình ảnh những dãy gióng dài bày bán ở chợ nay dần trở nên xưa cũ. Chợ Đông Mỹ trước đây là nơi bày bán rất nhiều gióng, nay dời sang chợ mới Hòa Vinh (Đông Hòa) rộng rãi hơn nhưng không còn sầm uất như ngày trước. Số sạp ở hàng mây tre chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng bán vẫn không chạy hàng.

 

Máy móc về, cả những chân ruộng cạn lẫn ruộng sâu đều có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp. Chỉ mới đầu vụ mà máy gặt đã ùn ùn kéo về khắp các cánh đồng lúa đang chín ở huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa. Các máy này vừa có thể gặt lúa, tuốt lúa, cho lúa vào bao và gom lúa hột lại ở một góc ruộng. Người làm ruộng chỉ cần thuê người vác bao lúa vào bờ vùng để bỏ lên xe, chở về nhà. Đôi quang gánh bây giờ chỉ được sử dụng ở những chân ruộng thu hoạch quá sớm hoặc quá trễ. Nhu cầu về gióng không còn nhiều, những người một thời gắn bó với nghề cũng đã chuyển sang những công việc khác. Cả trăm người làm nghề thì nay chỉ còn chưa đến chục người giữ nghề. Mà họ làm cũng chẳng bao nhiêu, chỉ vài chục đôi gióng để tăng thêm thu nhập.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tiến (xã Hòa Tân Tây, Tây Hòa) có mấy đời làm nghề thắt gióng. Các chị em gái bà Tiến sau khi lấy chồng đều gắn bó với nghề này. Tuy nhiên, cách đây 10 năm, do mây trên núi hiếm hoi, việc buôn bán không còn thuận lợi nên hai vợ chồng bà đã vào Sài Gòn làm thuê, làm mướn. Bà Tiến chia sẻ: “Ngày trước buôn bán còn dễ, gióng được tiêu thụ ở nhiều nơi, chịu khó làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Nay cái gì cũng có máy móc làm hết rồi, nên nghề làm gióng cũng không còn thịnh nữa. Biết là cần phải giữ nghề của gia đình nhưng tôi cũng đành nghỉ sớm. Sau tôi, lần lượt các chị em ai cũng nghỉ hết. Chỉ có người chị lớn là còn làm một ít, bán cho những người trong xóm chứ cũng chẳng đi chợ quán gì”.

Còn chị Lam, chủ sạp mây tre ở chợ Hòa Vinh (Đông Hòa) cho biết: “Ngày trước, khi chuẩn bị thu hoạch lúa, tôi trữ cả trăm đôi gióng để bán vì có khi vào vụ giá gióng quá cao, không mua được. Nay thì cứ lấy 10 đôi, bán xong lấy tiếp. Tính cả vụ bán không hết 50 đôi gióng. Sức mua giảm mạnh, tôi mà trữ nhiều, bán không hết, thì sau vụ thu hoạch chẳng có ai mua”.

Có máy móc hiện đại, con người được giải phóng sức lao động, không phải quá vất vả nhưng bù lại có những thứ mất đi sẽ không tìm thấy lại. Hình ảnh đôi quang gánh một thời rất quen, có lẽ rồi cũng sẽ không còn trên đồng ruộng. Những người trẻ các thế hệ sau sẽ khó mà hình dung được những vất vả, cực nhọc của nhà nông lớp trước.

THÁI HÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek