Chủ Nhật, 06/10/2024 03:09 SA
Nghề của sự dấn thân
Thứ Hai, 08/07/2013 14:30 CH

Vào một ngày giữa tháng 6, trong dòng thác thông tin, nhiều người dừng mắt trước cái tin nhỏ ở trang quốc tế: Ông Jose Roberto Ornelas de Lemos, tổng biên tập báo Hora H ở Brazil bị bắn chết bởi 44 phát đạn! Theo cảnh sát Brazil, động cơ của vụ sát hại dã man này liên quan đến những bài báo trên Hora H - một tờ báo địa phương phục vụ cộng đồng có thu nhập thấp, bền bỉ đấu tranh chống tội phạm. Và Lemos, người đứng đầu tờ báo, phải trả giá cho cuộc đấu tranh không khoan nhượng đó bằng chính mạng sống của mình. Ông trở thành nhà báo thứ 5 bị sát hại vì những bài báo đấu tranh chống tội phạm.

 

Nha-bao-tac-nghiep.jpg

Ảnh: Internet

Sự việc xảy ra ở tận Tây bán cầu đã làm rúng động dư luận tiến bộ, nhất là đối với những người cầm bút trên khắp thế giới. Bao giờ và ở đâu cũng thế, nghề báo vẫn là nghề nguy hiểm đối với những người dám dấn thân.

 

1. Thực tế, đã có không ít trường hợp nhà báo bị hành hung, bị cản trở tác nghiệp, thậm chí bị trả thù tàn độc. Tất cả cũng chỉ vì các nhà báo đó “dám” đứng về phía những người yếu thế để đấu tranh với kẻ mạnh. Họ biết hiểm nguy sẽ rình rập khi “đụng” vào những vấn đề gai góc, nhưng lương tri của người cầm bút không cho phép họ thoái lui. Và nhiều khi, cái giá để có một bài điều tra là vô cùng đắt!

 

Tại lễ trao Giải Báo chí Phú Yên lần thứ VI, 3 giải B (không có giải A) được trao cho 3 tác phẩm báo chí gai góc: Loạt tin, bài Người Trung Quốc nuôi cá ở Vũng Rô, phóng sự Thiết bị đào tạo nghề đầu tư tiền tỉ nhưng lại bỏ hoang và phóng sự Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu về xuôi. Trước khi tranh giải Báo chí Phú Yên, tác phẩm này đã đoạt giải A (thể tài phóng sự ngắn) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32. Xem Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu về xuôi, khán giả tâm đắc những hình ảnh hết sức sinh động về việc lâm tặc chở gỗ lậu phóng như bay, lạng lách trên đường, song ít ai biết rằng sau khi đuổi theo lâm tặc và quay được những hình ảnh đó, nhà báo Quốc Mẫu và An Bang đã bị các đối tượng này tấn công, truy đuổi. Lúc ấy, mối quan tâm lớn nhất của hai nhà báo là bằng mọi cách phải bảo vệ cuốn băng vừa ghi hàng loạt hình ảnh lâm tặc vận chuyển gỗ lậu. Quốc Mẫu vội rời khỏi xe máy, ôm máy quay phim chạy vào một nhà dân ở gần đó và tháo cuộn băng ra, cất kỹ. Rất may sau phút hốt hoảng khi thấy người lạ xông vào nhà mình, miệng liên tục kêu “Gọi 113”, gia đình đó đã che chở quay phim của VTV Phú Yên khỏi sự lùng sục của nhóm lâm tặc. Rồi, với cây đèn pin, chủ nhà đưa Quốc Mẫu đi luồn qua những đám mía, đến nơi an toàn. “Tôi rất xúc động trước sự giúp đỡ đó” - Quốc Mẫu chia sẻ. Còn An Bang điều khiển xe lánh đi theo hướng khác… Những chi tiết đó tất nhiên không có trong phóng sự, và không nhiều người biết. Nó trở thành kỷ niệm khó quên trong vô vàn kỷ niệm của vô vàn chuyến tác nghiệp. Đó là một minh chứng nhỏ cho thấy: Để thực hiện những đề tài gai góc, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại đến lợi ích chính đáng của người dân, nhà báo không chỉ “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà còn đối mặt với rất nhiều gian nguy. Song vì trách nhiệm của người cầm bút và vì lòng yêu nghề, họ không ngại nguy hiểm để thực hiện cho kỳ được tác phẩm.

 

2. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuổi Trẻ về thách thức lớn nhất hiện nay, nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng vấn đề lớn nhất của báo chí “là độ khả tín đang xuống thấp”. Theo ông, một trong rất nhiều nguyên nhân là do tính chuyên nghiệp của làng báo ngày càng bị xem nhẹ…; phóng viên đang bỏ qua những chuẩn mực cơ bản nhất của nghề nghiệp.

 

Hãy hình dung xem, bạn được một nhà báo phỏng vấn, viết bài. Bạn nói a, b, c, d, đến khi mở tờ báo ra thì té ngửa vì thấy mình nói thành d, đ, e, f… Thử hỏi lần sau, bạn có “can đảm” trả lời phỏng vấn nữa hay không?

 

Phong-vien-tac-nghiep-2.jpg

Tác nghiệp trong mọi điều kiện - Ảnh: Internet

Đôi khi, có lẽ vì muốn cho tác phẩm của mình thêm hấp dẫn, kịch tính, nhà báo “hư cấu” thêm vài chi tiết mà quên mất rằng, nhiều khả năng, nhân vật hoặc bạn bè, người thân của nhân vật sẽ xem tác phẩm đó. Tất nhiên họ sẽ nhận ra những chi tiết, thông tin không đúng sự thật. Và rất có thể, họ chẳng những không tin tác phẩm này, tác giả này mà còn đâm ra nghi ngờ những tác phẩm báo chí khác của các nhà báo khác.

 

Đôi khi, vì lợi ích của mình, nhân vật có thể cung cấp những thông tin khác xa với sự thật. Nếu không tỉnh táo phân tích, kiểm chứng để nhận ra đâu là bản chất vấn đề, nhà báo sẽ trở thành “cái loa” của nhân vật thay vì phản ánh đúng sự việc. Hãy hình dung, khi nhân vật của bạn xem tác phẩm, họ sẽ cười khoái trá vì “xỏ mũi” được nhà báo, còn các đồng nghiệp, những người hàng xóm, cộng đồng dân cư nơi nhân vật sinh sống - những người biết rất rõ nhân vật - sẽ kinh ngạc, thắc mắc và hồ nghi tác giả ra sao…

 

3. Khoảng một tháng trước, tôi cùng các đồng nghiệp ở Báo Công an nhân dân chuyên đề An ninh thế giới và chủ doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi trở lại một huyện miền núi thăm một gia đình từng có nhiều người nhiễm HIV. Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc bởi hơn 10 năm trước, sau khi nhà báo Nguyễn Hồng Lam viết phóng sự Một gia đình có bốn người nhiễm HIV trên An ninh thế giới, tôi đã cùng các đồng nghiệp này, doanh nhân này đến thăm gia đình chịu nhiều bi kich. Từ “chiếc cầu nối” An ninh thế giới, ông Lâm Tấn Lợi, chủ doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi hỗ trợ 20 triệu đồng để mấy đứa trẻ bị AIDS cướp mất cha mẹ có được căn nhà vững chãi che nắng che mưa. Sau đó, ông Lâm Tấn Lợi còn cưu mang đứa con trai cả của gia đình này, cho học nghề và làm việc tại doanh nghiệp của ông một thời gian. Riêng đứa con út - người nhiễm HIV còn lại của gia đình, lúc đó khoảng 3, 4 tuổi - được đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội ở TP Hồ Chí Minh.

 

Hơn 10 năm trôi qua, cậu thiếu niên chập chững học nghề ngày đó giờ đã là cha của một đứa trẻ. Còn cậu bé có đôi mắt màu khói như miêu tả của Nguyễn Hồng Lam trong phóng sự giờ là một thiếu niên mà thoạt nhìn, không ai nghĩ cậu nhiễm HIV. Điều khiến tôi bất ngờ và xúc động là thượng tá Phạm Văn Chiến, Phó trưởng cơ quan đại diện Báo Công an nhân dân tại TP Hồ Chí Minh - chuyên đề An ninh thế giới và nhà báo Nguyễn Hồng Lam - tác giả bài viết, vẫn dõi theo cuộc sống của các nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà An ninh thế giới đã phản ánh hơn 10 năm trước. Phú Yên là điểm cuối của hành trình đi qua 5 tỉnh miền Trung, thăm lại các nhân vật bị cuộc đời thử thách quá nhiều. Đó là ý tưởng của nhà báo Phạm Văn Chiến trước khi ông nghỉ hưu. Và doanh nhân Lâm Tấn Lợi tiếp tục quan tâm giúp đỡ những gia đình mà ông từng quan tâm giúp đỡ.

 

Trong suốt chuyến đi về huyện miền núi cùng với những cây bút kỳ cựu, tôi tuyệt nhiên không nghe họ nhắc đến những tác phẩm báo chí đình đám, gây tiếng vang. Họ chỉ nói về những người nhiễm chất độc da cam, mù lòa, tâm thần, nhiễm HIV… sống trên dải đất miền Trung mà họ từng tiếp xúc, An ninh thế giới từng phản ánh. Họ xót xa khi biết người này không thể vượt lên số phận, họ vui mừng khi thấy người kia đã có cuộc sống khác với trước đây. Trong trường hợp này, nỗi buồn - niềm vui giản dị đó phần nào nói lên cái tâm của người cầm bút.

 

Viết báo không khó, nhưng để trở thành một nhà báo đúng nghĩa, thật không đơn giản chút nào!

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek