Cầu Đà Rằng hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu!
Ngày xuân con én giục sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng!
Nửa đầu thế kỷ XX, một cây cầu bê tông cốt sắt được bắc qua sông Đà Rằng. Cầu 21 nhịp, dài 1101m. Thời kỳ ấy số lượng xe ô tô còn ít, nên lòng cầu hẹp chỉ vừa đủ cho một xe ô tô qua lại. Cứ mỗi một quãng ba nhịp lại có một nhịp làm rộng ra hai bên để xe ngược chiều tránh nhau. Xe cộ mỗi ngày một nhiều, giao thông thường bị tắc nghẽn. Chính quyền lúc bấy giờ cho thiết lập lại cây cầu với lối kiến trúc qui mô hơn, lòng cầu rộng đủ cho ô tô chạy ngược chiều thong thả, hai bên lề cầu có chắn song và có lối đi riêng cho khách bộ hành.
Dáng xuân - Ảnh: D.T.X
Cầu Đà Rằng nối liền thị xã Tuy Hòa và thị trấn Phú Lâm (cũ), là hai nơi dân cư đông đúc. Những đêm mát trời trăng tỏ, cầu là nơi dạo mát, trò chuyện vui đùa, yêu đương tình tự.
Năm 1937, ông Nguyễn Đình Cầm và ông Trần Sĩ trứ tác quyển “Địa dư Phú Yên”. Trong bài viết về cầu Đà Rằng có đoạn giới thiệu: “Cách phủ lỵ Tuy Hòa độ nửa cây số, trên đường thiên lý vào Nha Trang, có một cái cầu kiểu tối tân: cầu Đà Rằng”.
Cầu cách mặt đất độ năm bảy thước tây, đứng trên cầu trông xuống nước sông Ba trôi lờ lững. Về mùa lụt, sông Ba trở nên hung hãn, nên từ phía nam, dọc theo đường ra người ta xây đập đỡ nước. Hai bên móng cầu và cột cầu, họ lắp đá bỏ trong cái sọt cho nước khỏi xói.
Sau khi có cây cầu bắc qua sông bằng xi măng cốt sắt, việc đi lại thuận tiện. Cây cầu dài 21 nhịp đó còn là nơi nam thanh nữ lịch lui tới hò hẹn, thề thốt trao duyên.
Cầu Đà Rằng bên núi Nhạn là một thắng cảnh của Phú Yên, làm bâng buâng không ít tao nhân mặc khách.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC