Chiều chiều nhớ phủ Tuy An
Nhớ ga chợ Xổm, nhớ làng Hòa Đa
Gành Đá Đĩa - một thắng cảnh quốc gia ở Tuy An - Ảnh: D.T.X
Phủ Tuy An ở giữa tỉnh Phú Yên, phía bắc giáp huyện Sông Cầu và huyện Đồng Xuân, phía nam giáp huyện Tuy Hòa, phía đông giáp biển, phía tây giáp tỉnh Gia Lai.
Tuy An chia hai khu vực từ nam đèo Quán Cau trở vào thời Pháp thuộc tổng Xuân Vinh, gồm 29 làng có 4 làng thuộc Hà Bạc, Đồng Xuân.
Sau 1945, đơn vị tổng xóa bỏ thay vào là đơn vị xã. Xã nhỏ hơn tổng, có nơi mỗi tổng chia đến hai ba hoặc bốn xã. Phía nam có 5 xã: An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Chấn và An Thọ. Phía bắc gồm có 8 xã: An Cư, An Thạch, An Ninh, An Dân, An Định, An Nghiệp, An Lĩnh và An Xuân.
Những năm gần đây chính quyền huyện thấy có một số xã dân đông, đất rộng nên chia xã để thuận tiện việc điều hành. Xã An Ninh chia hai xã: xã An Ninh Đông và xã An Ninh Tây. Xã An Chấn chia làm hai xã: xã An Chấn và xã An Phú, huyện lỵ đóng tại thị trấn Chí Thạnh trước là thôn Chí Thạnh xã An Cư.
Thời thuộc Pháp phủ lỵ đóng ở thôn An Thổ xã An Dân, về sau phủ lỵ dời về Chí Thạnh. Huyện Tuy An phía đông có biển, phía tây có núi, phía bắc có sông (sông Cái), phía nam có đầm (đầm Ô Loan), Tuy An là vựa lúa thứ hai sau Tuy Hòa. Phù sa sông Cái đắp bồi thành miền châu thổ, dân ngăn dòng sông Cái bằng đập Tam Giang đưa nước vào cánh đồng ruộng xã An Cư, An Thạch, An Ninh, An Dân các cánh đồng lúa làm hai vụ, sản lượng thu hoạch khá cao đạt từ 5 đến 7 tấn một hecta.
Về thổ sản có nhiều thứ: xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa, cau Chợ Đèo (hoặc cau Xóm Vườn), dừa Mỹ Á, cá Chợ Yến, tôm đầm Ô Loan, khoai lang Bầu Súng, chiếu chợ Gành, lãnh Phường Lụa v.v…
Nhà thơ Tản Đà đã đi qua Phú Yên thưởng thức miếng hàu đầm Ô Loan đã có câu:
Lấy chi vui với thu tàn
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu
Nhà thơ Quách Tấn khi đi ngang qua Phú Yên cũng đã có câu:
Hàng dừa mé biển cong đuôi phượng
Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò
Tuy An vùng đất học, có nhiều người đỗ cử nhân Hán học, có vị đỗ Á nguyên là ông Đặng Trắc Văn năm 1913, có vị đỗ thứ 3 là ông Võ Phụng Cương năm 1897. Về danh nhân có ông Lê Thành Phương thủ lãnh phong trào Cần Vương chống Pháp, Hồ Trọng Đìa, phó tướng phong trào Cần Vương. Về thắng cảnh và di tích lịch sử được Bộ Văn hóa thông tin công nhận có đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, chùa Đá Trắng (vừa là thắng cảnh vừa là di tích lịch sử), Ngân Sơn, Chí Thạnh…
Từ trước, chợ Xổm không có ga xe lửa, theo Địa dư của Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ. Từ bắc, ga Phước Lãnh xã Xuân Lãnh vào nam ga Hảo Sơn xã Hòa Xuân không có tên ga Chợ Xổm mà chỉ có địa danh chợ Xổm.
Chợ Xổm thuộc thôn Phú Thạnh (Phú Quý thời Nguyễn) xã An Chấn huyện Tuy An, chợ nằm về phía đông cuối thôn. Thôn Phú Thạnh có chiều dài trên 3 cây số chạy từ chợ Xổm đến dãy núi giáp với xã An Thọ. Phía bắc giáp thôn Phú Quí, An Chấn, phía Nam giáp đồng, cư dân có số hộ trên dưới 400 ở rải rác, chỉ tập trung gần chợ Xổm, họ làm nghề nông chỉ có một số ít hộ buôn bán. Phú Thạnh nguyên Phú Thạnh thôn, Trung tổng Đồng Xuân, đông giáp địa phận thôn Phú Quí, diện tích 125 mẫu, tây giáp thôn Phú Cốc, lấy suối làm giới, nam giáp 3 thôn Phú Cốc, Phú Mỹ và Phú Thuận, Bắc giáp 3 thôn Phú Quí, Phú Toàn và Tư Đức. Diện tích 121 mẫu có đường thiên lý 624 tầm (1322,88 mét).
Ngày xưa dân đến đây lập nghiệp, họ đem sản phẩm mình làm ra đến đây trao đổi lấy về những vật dụng, thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt. Chợ bắt đầu hình thành mang tên chợ Xổm (ngồi Xổm để họp), sau dần chợ chia phiên để họp, mỗi tháng 6 phiên nhằm những ngày có số 1 và số 6.
Những phiên họp chính đông đảo người mua kẻ bán nhộn nhịp, thổ sản, hải sản các nơi đem đến bày bán rất nhiều cũng như các chợ Bàu Súng, chợ Thứ v.v… Những phiên phụ chỉ có cư dân quanh vùng gần đến họp, thực phẩm và hải sản là chính. Chợ Xổm được xếp vào hạng những ngôi chợ nổi tiếng của Phú Yên trước năm 1945.
Gần đây chính quyền địa phương dời khu chợ ấy xuống phía dưới cách độ 100 mét trên khu đất rộng rãi. Chợ Xổm được nhắc đến nhiều như những ngôi chợ nổi tiếng của Phú Yên trước năm 1945.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC