Ăn tôm thì nhớ chợ Gành
Ăn tương thì nhớ đậu nành Trung Lương
Chợ Gành thuộc thôn Phú Tân, xã An Cư, nổi tiếng trong các ngôi chợ ở huyện Tuy An. Trước kia chợ nằm cạnh Quốc lộ 1A, cách ngã ba Phú Tân chừng 100m. Ra khỏi đèo Quán Cau là đến chợ. Mặt bằng chợ hẹp, phía đông giáp Quốc lộ 1A, ba bên còn lại là xóm làng, nhà cửa dân ở chen chúc.
Một gánh hàng rong ở chợ quê – Ảnh: D.T.Xuân |
Chợ họp chín phiên vào những ngày âm lịch có số 3, 7 và 10, tháng thiếu phiên họp ngày 29. Dân cư các vùng nam Tuy An mang thổ sản như ngô, sắn, đậu, nếp, gạo; thủy sản như cá, tôm, sò, sứa của đầm Ô Loan và các loại cá mực từ Nhơn Sơn (xã An Hòa) và Long Thủy (xã An Phú) đến bán ở chợ Gành.
Chợ phiên đông đúc, thường chiếm lòng quốc lộ, gây trở ngại giao thông nên chính quyền địa phương cho xây một ngôi chợ mới phía ngoài, cách 300 mét. Chợ vừa cao ráo vừa rộng rãi, lều chợ diện tích 360m2 lợp bằng tôn. Chợ mới họp vào buổi sáng, không còn phiên chính nữa. Chợ họp thường xuyên, đông là nhờ dân thôn Phú Tân, Tân Long xã An Cư. Mỗi thôn trên dưới 700 hộ, làm ngư nghiệp, nông nghiệp nên thủy sản và nông sản khá dồi dào.
Thôn Phú Tân có cư dân đông đúc quanh một ngọn đồi thấp, nhà cửa chi chít ở ba khu vực, được gọi bằng vùng: vùng 1 từ cuối thôn đến đầu cầu Long Phú, vùng 2 từ đầu cầu Long Phú đến trên bến đò khoảng 100m, vùng 3 từ ranh giới lên đến quốc lộ, phía bắc ra khỏi chợ Gành, phía nam đến chân đèo Quán Cau. Vùng 1 dân làm nghề nông và dệt chiếu, vùng 2, vùng 3 dân làm nghề nông và một số làm nghề chài lưới.
Ở Phú Yên chỉ có 3 nơi làm nghề dệt chiếu: Vùng 1 Phú Tân, xóm Chiếu phường 5 TP Tuy Hòa và Hòa Hiệp
Lát trồng trên ruộng thôn Phú Tân gốc trắng xanh, rất tốt, vừa bền vừa tươi màu. Lát trồng trên ruộng thôn Tân Long gốc vàng sẫm, độ bền và màu sắc kém thua. Những năm gần đây, do phù sa sông Cái bồi lấp, lát Tân Long phẩm chất không thua kém bao nhiêu so với lát Phú Tân.
Vùng 1 Phú Tân nhà nào cũng dệt chiếu. Nghề dệt chiếu vất vả khó nhọc từ khâu cắt lát, chẻ lát, phơi lát, tốn rất nhiều công phu, đến khâu pha màu nhuộm cũng phải có kỹ thuật thì lát mới tươi và lâu phai. Cung cách dệt chiếu thủ công tốn kém quá nhiều thời gian, giá thành một đôi chiếu không đủ cho tiền công. Tuy số tiền kiếm được không nhiều nhưng là nghề truyền thống nên cố giữ.
Chiếu Phú Tân tiêu thụ khắp nơi, nhất là các xã vùng cao. Thường thì những người làm chiếu mang đến bán ở các vùng này và đổi lấy thổ sản đem về dùng.
Chiếu Phú Tân (chợ Gành) nổi tiếng là nhờ độ mặn nước đầm Ô Loan làm cho lát tốt, cọng dài, bền dai. Chỉ dùng dệt chiếu là chỉ thơm tàu, chắc hơn chỉ trân nhiều. Những năm gần đây, chỉ trân giá rẻ nên dân mua loại này về dệt, và dùng chỉ thơm tàu khi có ai đặt mua.
Năm 1997, tại hội chợ triển lãm được tổ chức ở Nha Trang (Khánh Hòa), chiếu Phú Tân được trao huy chương đồng.
Chợ Gành cũng như các chợ khác trong vùng đều có tôm đầm Ô Loan đem bán. Dân ở các thôn Phú Sơn xã An Ninh bắt tôm bằng đăng, thôn Tây Qui, Xuân Hòa xã An Hải đánh bằng đáy, thôn Tân Hòa xã An Hòa đánh bằng lưới trể. Trước năm 1945, số tôm đánh bắt được, một số chuyển về bán ở chợ Dinh (phủ lỵ Tuy Hòa) còn thì đem bán ở các chợ Tuy An. Ngày nay, các loại tôm sú, tôm rằn đều được xuất khẩu. Vài năm gần đây, khu vực quanh bờ đầm Ô Loan có nhiều hồ nuôi tôm, vì vậy môi trường bị ô nhiễm nặng.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC