Xã Cà Lúi, huyện Sơn Hoà nằm dọc theo con sông Cà Lúi giáp ranh với tỉnh Gia Lai, tuyến đầu của con đường số 6. Với địa hình núi cao hiểm trở, kín đáo Cà Lúi có tầm chiến lược về quân sự là hành lang tiếp giáp với Tây Nguyên, nơi đông đảo bà con các dân tộc Ê đê, Chăm, Ba na…sinh sống lâu đời. Cà Lúi có dân số hiện nay khoảng 2.000 người, tổng diện tích đất tự nhiên 5.200ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp 371ha, ruộng 2 vụ 39ha, đất thổ rẫy 222ha.
Trong kháng chiến chống Mỹ, dân số Cà Lúi chỉ có gần 300 người. Lúc bấy giờ, toàn xã có 9 buôn, làng, dân cư sống rải rác ở các triền núi, thung lũng, chủ yếu là làm rẫy, chăn nuôi bò.
Trước đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân cà Lúi đoàn kết một lòng đi theo Đảng. Ngay từ năm 1949, Cà Lúi đã có chi bộ Đảng do Ma Tho làm bí thư.
Mặc dù nằm trong khu tam giác các đồn của địch, phía Đông là đồn Trà Kê, phía Tây là đồn Cà Lúi-Bà Lá, phía Bắc là đồn Ma Phu-Ma Giai, thường xuyên bị địch càn quét, đàn áp dã man nhưng nhân dân cà Lúi “một tấc không đi, một ly không rời” vẫn bám đất, bám làng, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng trận địa lòng dân đấu tranh ngoan cường chống lại kẻ thù. Trong 13 trận đánh lớn trên địa bàn trong chiến tranh đấu tranh chống Mỹ-nguỵ, quân và dân cà lúi đã độc lập chiến đấu 8 trận, xoá sổ 4 đơn vị của địch từ cấp trung đội đến tổng đoàn, tiêu diệt 268 tên ác ôn và quân Nguỵ, đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Cà Lúi từng là nơi Tỉnh uỷ đóng cơ quan lãnh đạo (buôn Ma Tí) cuối năm 1954; họp phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương; là nơi Huyện uỷ Sơn Hoà họp bí mật ( tại suối Cà Te) để tiến hành lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân đấu tranh (tháng Giêng năm 1955)…
Sau khi quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất Cà Lúi bắt tay vào xây dựng làng buôn, xây dựng cuộc sống mới. Với công cụ lao động thô sơ, bà con các dân tộc nơi đây đã khai hoang, phục hoá hơn 100 ha đất để trồng lúa, bắp, đậu các loại…Năm 1978, Cà Lúi là “lá cờ đầu” của tỉnh (Phú Khánh) trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở các xã miền núi.
Từ sau đổi mới, nhất là những năm gần đây, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các thành tự khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi. Ngoài mía với hơn 100ha, đàn bò trên 2.500 con, trồng cây hoa màu, đậu bắp các loại, bà con các dân tộc Cà Lúi còn biết làm thuỷ lợi nhỏ để trồng lúa nước cho năng suất cao. Bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây từng bước thay da đổi thịt và ngày càng khởi sắc. Xã có đường giao thông ô tô về đến trung tâm, trường học, trạm xá, điện lưới quốc gia…cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn chỉnh. Nhà cửa mọc lên khang trang; hộ đói nghèo giảm dần; trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; người già, trẻ em được chăm sóc sức khoẻ…Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhân dân Cà Lúi đang ra sức xây dựng làng buôn ấm no và an toàn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
HỒNG LAM