Dự phòng lây truyền HIV là một chương trình mang tính nhân văn. Những đứa trẻ không bị nhiễm HIV đã mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tại Phú Yên, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bắt đầu thực hiện từ năm 2008.
Chủ động khám thai, xét nghiệm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Nguồn: SGGP
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thanh, Trưởng khoa Tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên đã trao đổi xoay quanh việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
* Bác sĩ có thể cho biết từ trước đến nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho bao nhiêu trẻ?
- Tôi được phân công làm công tác điều trị nhiều năm và từ đó đến giờ đã tư vấn, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nhân, trong số đó có 5 ca điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và nhận các dịch vụ chăm sóc sau sinh như tư vấn về dinh dưỡng, tư vấn về thay thế sữa mẹ. Đặc biệt, những trẻ này được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên hỗ trợ sữa thay thế sữa mẹ trong sáu tháng đầu.
* Vậy có bao nhiêu trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV mà không tiếp cận được dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con? Lý do không được điều trị?
- Theo kết quả giám sát, đến thời điểm này đã có 5 trẻ sinh ra từ người nhiễm HIV không tiếp cận được dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian thai kỳ. Làm công tác này nhiều năm chúng tôi nhận thấy có nhiều lý do trẻ không tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có nguyên nhân đa phần phụ nữ mang thai không biết mình nhiễm HIV. Từ khi Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời, việc xét nghiệm sàng lọc HIV phải có sự đồng ý của khách hàng. Dịch vụ xét nghiệm HIV không có sẵn ở trạm y tế nên một số người ngại đến tuyến huyện để xét nghiệm HIV trong thai kỳ. Có 4 trường hợp khi chuyển dạ sinh thì mới làm xét nghiệm HIV nên những đứa trẻ này không được điều trị trong thai kỳ và nguy cơ trẻ nhiễm HIV rất cao. Có 2 trẻ sinh ở trạm y tế và người mẹ của hai trẻ này không hề biết tình trạng nhiễm HIV của mình cho đến khi người mẹ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch. Hiện nay, trung tâm đang điều trị ARV cho 2 trẻ em, tình trạng sức khỏe tốt và trẻ cũng được đi học mẫu giáo như các trẻ trong cùng độ tuổi.
* Tỉ lệ thành công trong công tác điều trị nói trên là bao nhiêu, thưa bác sĩ?
- Tại Phú Yên, số liệu quá khiêm tốn không thể đánh giá được. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm đáng kể, khoảng từ 1,9 đến 4,5%.
* Bác sĩ có lời khuyên gì cho những phụ nữ mang thai?
- Như chúng ta đã biết, một người mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con qua 3 giai đoạn sau: khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ qua nhau thai vào cơ thể thai nhi rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8; khi sinh, HIV từ các dịch và máu của mẹ vào cơ thể thai nhi, khoảng 50% đến 60% trẻ sơ sinh bị lây HIV từ mẹ ở giai đoạn này; khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ, khoảng 15 đến 25% trẻ bị lây HIV ở giai đoạn bú mẹ.
Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có kết quả tốt, nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về việc loại trừ nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, phụ nữ mang thai nên tự nguyện xét nghiệm HIV trong giai đoạn mang thai để phát hiện và điều trị kịp thời dự phòng HIV lây từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, để có những đứa con khỏe mạnh không nhiễm HIV, chúng ta không đợi đến khi mang thai mới đi xét nghiệm mà tất cả phụ nữ nên có kế hoạch dự phòng sớm, tức là đi xét nghiệm HIV trước khi dự định có con, kể cả xét nghiệm trước khi kết hôn.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
NGUYÊN HIỆU (thực hiện)