Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), mỗi năm có 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí. Khối lượng này tương đương với giá trị sản xuất được của khu vực châu Phi cận Sahara. Đồng thời, cứ 7 người trên thế giới có 1 người đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói. Với sự mất cân bằng lớn trong lối sống và những hậu quả làm ảnh hưởng đến môi trường, chủ đề “Suy nghĩ - Ăn uống - Tiết kiệm” khuyến khích mọi người ý thức hơn về tác động môi trường và việc lựa chọn thực phẩm.
Chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường. Ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng việc sử dụng thực phẩm có lúc, có nơi vẫn còn lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên. Trong các nhà hàng, khách sạn hay các bếp ăn tập thể, thậm chí cả các quán ăn vỉa hè không thiếu thực phẩm dư thừa. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết và cả trong các bữa ăn hàng ngày, thức ăn, thức uống không sử dụng hết là bao nhiêu, số dư thừa này sẽ được xử lý ra sao? Thực tế cho thấy hiện nay trên các đường phố không ít điểm tập kết rác mùi hôi thối do các rác thải hữu cơ phân hủy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực cũng như những người đi ngang qua. Trong các đống rác đó, lượng rác do thức ăn dư thừa trong các bữa ăn của người dân chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Để có được một môi trường tốt, trong lành phụ thuộc rất nhiều vào hành vi, lối sống của mỗi người và cộng đồng xã hội. Việc sử dụng lương thực và thực phẩm như thế nào để vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường là việc chúng ta cần làm. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư cần tránh lãng phí trong sử dụng thức ăn. Đây là hành động nhỏ nhưng đem lại lợi ích kép, hãy “Suy nghĩ - Ăn uống - Tiết kiệm” như thông điệp của FAO đã khuyến cáo.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên