Chủ Nhật, 06/10/2024 05:51 SA
Tạo điều kiện phát triển dược liệu địa phương
Thứ Ba, 11/06/2013 18:00 CH

Trong chuyến công tác mới đây tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung (thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt) ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã trả lời phóng viên Báo Phú Yên về tình hình phát triển dược liệu. Nói về tình hình chung của dược liệu ở Việt Nam, thứ trưởng cho biết:

 

cuong130610.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phát biểu tại buổi làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung - Ảnh: T.THỦY

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng. Theo thống kê sơ bộ của ngành Dược liệu, nước ta có khoảng 14.000 loài thực vật, nấm và tảo, trong đó có gần 4.000 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Hiện có gần 50 loài đang được trồng và thu hoạch làm dược liệu theo quy mô sản xuất hàng hóa.

 

Hiện nay, việc phát triển ngành Dược liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đang được Nhà nước, các ngành hữu quan rất quan tâm nhằm đưa ngành Dược liệu phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có, tạo sản phẩm thuốc quốc gia trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước.

 

* Thứ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động bảo tồn dược liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung?

 

- Qua tham quan thực tế tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung, đồng thời nghe giám đốc trung tâm báo cáo kết quả hoạt động trong mấy chục năm qua, tôi thấy đơn vị này đã đi đúng hướng; phát triển dược liệu ngay trên vùng đất có nhiều thuận lợi trong việc trồng một số loại cây cho hoạt chất sinh học cao như: dừa cạn, diệp hạ châu… So với các trung tâm khác, tôi đánh giá Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung cao hơn trong việc xây dựng mô hình trồng dược liệu sạch, tạo vùng trồng dược liệu tập trung có hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân trên vùng đất cát bạc màu, thường xuyên chịu bão. Đặc biệt, trung tâm đã bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc trên 40 loài với diện tích 10ha. Tuy nhiên, trung tâm không chỉ bảo tồn những cây thuốc hiện có mà nên nghiên cứu đưa vào sản xuất một số cây dược liệu khác để làm phong phú thêm nguồn nguyên liệu là dược liệu, phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe như sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng.

 

Điều đặc biệt mà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung thực hiện tốt là phát huy rõ vai trò, vị trí, thế mạnh của 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong việc phối kết hợp nhằm phát triển nguồn dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia. Trong đó, Nhà nước có tầm nhìn vĩ mô trong việc hoạch định cơ chế chính sách; nhà nông phát triển nguồn dược liệu; nhà khoa học nghiên cứu các đề tài; nhà doanh nghiệp sản xuất và bán các sản phẩm từ dược liệu. Đây là một mô hình ý nghĩa nhất. Phát triển dược liệu dựa theo nhu cầu tiêu thụ, tránh rủi ro cho công ty. Bên cạnh tạo ra công ăn việc làm cho người dân, mô hình này còn giúp Nhà nước phát triển nguồn gen.

 

san-xuat130610.jpg

Dây chuyền sản xuất diệp hạ châu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung - Ảnh: T.THỦY

* Dược liệu trong nước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GACP-WHO, nhưng thực tế việc tiêu thụ trên thị trường nội địa ít, chủ yếu là xuất khẩu. Vậy theo thứ trưởng, làm thế nào để người dân được dùng sản phẩm vừa tốt vừa rẻ này?

 

- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung sản xuất thuận lợi là có truyền thống nghiên cứu lâu dài, những đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp tỉnh. Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề tài, dự án khoa học tạo được nguồn dược liệu theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng cho các xí nghiệp sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (quản lý dược liệu sạch) và xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Đài Loan 90% số lượng. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý, kinh phí để Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung tham gia dự án: “Mạng lưới quỹ gen” để bảo tồn cây thuốc quý ven biển miền Trung; tham gia chương trình quốc gia: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” nhằm mở rộng quy mô sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào tốt cho các nhà máy dược GMP trong nước.

 

Việc trong nước chỉ tiêu thụ 10% sản phẩm, nguyên liệu từ trung tâm này là quá ít, mà theo bà giám đốc là do việc đấu thầu thuốc chưa tập trung ưu tiên vào sản phẩm có chất lượng về hoạt chất sinh học cao; có nhiều đơn vị mua sản phẩm rẻ trôi nổi trên thị trường; sản phẩm thuốc vào xí nghiệp nhưng chưa vào bệnh viện. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc đấu thầu thuốc đầu vào tại các bệnh viện để có những sản phẩm, mặt hàng chất lượng. Dược liệu sản xuất theo tiêu chuẩn GACP - WHO thì giá sẽ khác với dược liệu nhổ tươi. Với tư cách cá nhân, tôi mong chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện về mặt bằng để trung tâm tiếp tục hoạt động ngay tại tỉnh, phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, góp phần phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

* Xin cảm ơn thứ trưởng!

 

VŨ HOÀNG (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek