Hỏi: Tôi đã mổ sỏi thận cách đây 10 năm, giờ bị lại. Bác sĩ có cách gì điều trị không phải mổ, ăn uống sinh hoạt thế nào để không bị tái phát.
NGUYỄN NGỌC DUNG (xã Hòa An, Phú Hòa)
Trả lời: Cho đến nay việc hình thành sỏi thận vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên giả thuyết chung là: các chất khoáng (canxi, oxalate, urat, cystin, photpho) bình thường vẫn hòa tan trong nước tiểu, khi tăng nồng độ và có yếu tố thuận lợi sẽ bị kết dính lại hình thành viên sỏi. Các yếu tố thuận lợi gồm: dòng nước tiểu chậm lại do đường dẫn tiểu bị tắc (do dị tật chít hẹp, do viêm nhiễm, do bị chèn ép...), thường hay nhịn tiểu, uống ít nước…; độ pH nước tiểu bị thay đổi do nhiễm trùng.
Sỏi thường thấy là sỏi canxi chiếm đến 80% trường hợp. Sỏi oxalat cũng chiếm tỉ lệ cao ở nước ta, oxalat kết hợp với canxi tạo thành sỏi canxi oxalat. Sỏi phosphat ammonium do vi khuẩn lên men ure gây nên. Sỏi thường được hình thành sau khi bị viêm đường tiết niệu mạn tính. Sỏi urat hình thành do quá nhiều axit uric trong nước tiểu. Chế độ ăn giàu chất đạm động vật, người bị bệnh gút có nguy cơ bị sỏi urat.
Nếu sỏi nhỏ (nhỏ hơn hay như hạt cát) có thể tự ra ngoài trong quá trình bài tiết nước tiểu mà không gây triệu chứng gì. Nhưng với sỏi lớn, tùy theo kích thước nhỏ to mà xảy ra các trường hợp: di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài nhưng có thể gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu; mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản gây viêm tắc niệu quản; sỏi nằm lại trong đài thận, bể thận, rồi phát triển to dần choáng hết đài bể thận, gây ứ nước, hủy hoại thận và suy thận.
Từ trước đến nay, đông y và tây y đã rất nỗ lực tìm kiếm thuốc làm tan sỏi, nhưng không thành công mỹ mãn. Mỗi thuốc có thể tác dụng với một loại sỏi, do đó không thích hợp với mọi người. Cách can thiệp ngoại khoa điều trị sỏi như mổ hoặc siêu âm tán sỏi (tán sỏi ngoài da, không mổ; tán sỏi trong da, mổ nội soi; tán sỏi qua niệu đạo…) phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người, do các bác sĩ chuyên khoa quyết định.
Để phòng ngừa sỏi thận người ta chỉ khuyên một điều duy nhất là uống thật nhiều nước để đi tiểu nhiều, hy vọng bào mòn viên sỏi, và không nên nhịn tiểu quá lâu, hạn chế điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi. Trong ăn uống không quá lạm dụng các thức ăn, thuốc chứa nhiều canxi đối với người bị sỏi canxi, hạn chế thức uống có nhiều oxalat (sô cô la, cà phê…), hạn chế purin có nhiều trong các món ăn như cá khô, tôm khô, lạp xưởng, lòng heo, lòng bò.
BS ĐOÀN VĂN HẢI