Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật. Như vậy để có sức khỏe cần phải tác động lên cả 3 lĩnh vực: Thể chất, tinh thần và xã hội. Tôi muốn đề cập đến một yếu tố để giúp nâng cao thể chất và sức chịu đựng của con nguời - đó là thể dục thể thao.
Vai trò của thể dục thể thao để nâng cao thể lực và sức chịu đựng của cơ thể đã được các nhà khoa học chứng minh, đặc biệt thể dục thể thao giúp cải thiện và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, hô hấp và chuyển hóa. Thậm chí một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipide… thì thể dục thể thao là một trong những liệu pháp bắt buộc để làm giảm và hạn chế biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, luyện tập thể dục thể thao như thế nào để có lợi cho điều trị là điều quan tâm của tất cả mọi người, bởi vì nếu rèn luyện không đúng sẽ lợi bất cập hại.
Khi tập thể dục thể thao, hệ tuần hoàn hoạt động nhiều hơn, nhịp tim tăng co bóp, lượng máu được tim bơm ra đến các cơ quan của cơ thể trong một phút (lưu lượng tuần hoàn) cũng nhiều hơn để đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Chính sự tăng hoạt động này làm tiêu tốn năng lượng cũng như tăng cường sức chịu đựng của cơ thể, đồng thời đào thải chất dư thừa trong quá trình chuyển hóa ra bên ngoài nhiều hơn. Hơn nữa, thể dục thể thao còn giúp não bộ tiết ra Endorphin, một hormon hết sức cần thiết cho cơ thể. Endorphin có tác dụng giảm đau, giảm lo âu, chống lão hóa và kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại bệnh tật.
Ở những người yếu, có bệnh lý mãn tính về tim mạch thì nên tập thể dục để không gắng sức quá mức, trước khi tập nên khởi động khoảng 5-10 phút và tập khoảng 30-45 phút mỗi ngày. Tập cho đến khi cảm thấy nhịp tim hơi nhanh, hoặc cảm giác nhịp thở tăng nhanh hơn bình thường, hoặc ra mồ hôi thì nên dừng lại. Các môn thể dục phù hợp thường là đi bộ, tập thể dục tại chỗ hay thể dục bằng dụng cụ… Còn chơi thể thao như thế nào là hợp lý? Đây là câu hỏi quan tâm của nhiều người, bởi vì khi chơi thể thao, bên cạnh rèn luyện cho sức khỏe còn có yếu tố đam mê và cạnh tranh, nên việc dừng hay tiếp tục chơi để có lợi cho sức khỏe là hết sức cần thiết. Mỗi người nên chọn cho mình môn thể thao phù hợp, vừa thỏa mãn sở thích, vừa có lợi cho sức khỏe cũng như phù hợp với bệnh lý của bản thân mình. Nói chung những người có bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipide… thì nên chơi thể thao. Khi chơi thể thao nếu thấy mồ hôi ra nhiều hay cảm giác đánh trống ngực thì nên dừng lại. Cũng có thể đánh giá bằng cách đếm nhịp tim bằng cách dùng ba ngón tay đặt vào vùng mạch quay (mặt ngoài phía trước của nếp gấp cẳng tay với bàn tay). Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chỉ nên tập thể thao cho đến khi nhịp tim bằng 50-70% của nhịp tim tối đa lý thuyết là đủ (lấy 220 - tuổi). Ví dụ một người 50 tuổi sẽ có nhịp tối đa lý thuyết là 220-50=170, vậy người này tập thể thao nếu nhịp tim bằng 119 thì nên ngừng tập (70x170:100=119). Khi bạn chơi thể thao nếu ngừng chơi sau 10 phút, nhịp tim vẫn cao hoặc sau nghỉ 60 phút bạn vẫn còn mệt tức là bạn đã chơi quá mức.
BS Nguyễn Vinh Quang
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên