Cai nghiện thuốc lá là một việc làm khó khăn và đòi hỏi sự quyết tâm cao của người hút. Để hiểu rõ hơn tác hại của thuốc lá, đồng thời tìm biện pháp bỏ thuốc lá hiệu quả, Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Phú Yên về vấn đề này.
Nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị có liên quan đến nguyên nhân hút nhiều thuốc lá- Ảnh: T.THỦY
* Bác sĩ cho biết, việc hút thuốc lá ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người sử dụng và những người xung quanh?
- Theo số liệu điều tra năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thế kỷ XX, trên thế giới có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá giết chết 6 triệu người và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 8 triệu vào năm 2020. Trong đó, số ca tử vong chiếm 70% ở các nước đang phát triển. Vì vậy, nếu không triển khai tốt biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong thế kỷ XXI, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỉ người. Cũng theo WHO, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đứng đầu trên thế giới về số người hút thuốc lá. Ở nước ta, tỉ lệ người hút thuốc lá chiếm 47,4% ở người trưởng thành và có đến 73,1% dân số hút thuốc lá thụ động. Đáng báo động hơn là số người hút thuốc lá ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Năm 2010, Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu về tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy, trong thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất, trong đó, có 70 chất có khả năng gây ung thư. Thuốc lá là nguồn gốc của 25 bệnh khác nhau mà nguy hiểm nhất là bệnh ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư da và bệnh tim mạch. Thuốc lá là nguyên nhân của 90% các trường hợp ung thư phổi; 75% trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% trường hợp thiếu máu cục bộ ở tim. WHO xếp việc sử dụng thuốc lá là “yếu tố thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển”.
Thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh, đặc biệt là người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc thụ động); những người có hệ miễn dịch kém như: người già, trẻ em và người có bệnh mãn tính.
* Thưa bác sĩ, thuốc lá gây nghiện theo cơ chế nào? Tại sao người đã bị nghiện lại khó bỏ được thuốc lá?.
- Tôi không cho rằng thuốc lá có thể gây nghiện, mà chỉ nên gọi là người hút thuốc lá trong một thời gian dài thường bị “lệ thuộc thuốc lá”. Bởi vì, người hút thuốc có thể bỏ thuốc mà cơ thể vẫn không có những phản ứng nào tiêu cực. Điều này khác với việc cai nghiện ma túy thường gây ra sự đau đớn. Thuốc lá gây lệ thuộc là bởi vì trong thuốc lá có chứa chất nicotine kích thích sinh ra dopamine, đầu độc thần kinh. Ở liều lượng vừa phải, chất này gây hưng phấn, linh hoạt, kích thích người sử dụng đi vào trạng thái tươi tỉnh, vui vẻ, làm việc hiệu quả. Theo thời gian, tác dụng kích thích này giảm dần. Muốn duy trì được trạng thái linh hoạt ban đầu, người hút thuốc phải sử dụng thuốc với một liều lượng cao hơn. Và cứ thế, lượng thuốc hút càng nhiều thì sự lệ thuộc cũng càng lớn. Nếu ngưng hút thuốc thì nồng độ chất nicotine trong máu giảm, dẫn đến sụt giảm chất dopamin gây mệt mỏi, bứt rứt, cảm thấy giảm năng lực làm việc. Vì vậy, khi bị lệ thuộc vào thuốc lá, nhiều người hút thuốc sẽ rất khó từ bỏ thói quen này.
* Cai thuốc lá là một việc khó khăn, vậy theo bác sĩ, cai thuốc lá như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thưa bác sĩ?
- Tôi có thể khẳng định, thuốc lá không khó bỏ nhưng để bỏ thuốc lá thành công cần phải có một bản lĩnh tự thân và một quyết tâm cao. Bên cạnh đó, người hút thuốc cần có sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè; cần một môi trường thuận lợi để cắt đứt sự lệ thuộc vào thuốc lá. Đối với bản thân người sử dụng thuốc lá, cần phải có sự chuẩn bị tâm lý cũng như phải đặt ra cho mình những việc làm cụ thể như:
Thứ nhất, giảm dần liều lượng: Việc giảm dần số lượng điếu thuốc hút/ngày sẽ dễ dàng hơn là việc bỏ thuốc một cách đột ngột. Cách làm này sẽ giúp cơ thể tự thích nghi với việc nồng độ nicotine trong máu giảm dần. Đến khi lượng nicotine trong máu giảm đến mức thấp nhất, người hút thuốc dần quay lại gần với trạng thái ban đầu khi chưa hút thuốc lá và khả năng bỏ hẳn thuốc lá sẽ dễ được thực hiện hơn.
Thứ hai, sẵn sàng đối mặt với những thay đổi khó chịu: Thời gian đầu bỏ thuốc lá, người hút thuốc sẽ đối mặt với cảm giác khó chịu, cáu kỉnh và chán nản, sau vài tuần cảm giác này sẽ mất dần. Thời gian này, những người trong gia đình cần chuẩn bị một số đồ ăn vặt vì sau vài tuần bỏ thuốc, cảm giác đói bụng và thèm ăn ở người cai thuốc lá sẽ tăng lên.
Thứ ba, tránh xa những thứ liên quan đến thuốc lá: Người nhà cần dọn ra khỏi tầm mắt người hút thuốc những đồ vật có thể làm “gợi nhớ” đến thuốc lá như gạt tàn, quẹt lửa. Ngoài ra, trong thời gian bỏ thuốc, người cai thuốc lá cũng phải chủ động tránh xa môi trường quán cà phê, quán nhậu, tụ điểm giải trí… nơi có nhiều người hút thuốc.
Như vậy, quá trình bỏ thuốc lá cần phải được tiến hành liên tục và có sự kết hợp cùng lúc nhiều hoạt động. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh và quyết tâm của người muốn bỏ thuốc. Nếu có quyết tâm, việc bỏ thuốc lá sẽ thành công.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
HÀ LÊ (thực hiện)