Chủ Nhật, 06/10/2024 15:22 CH
Nhiễm giun
Thứ Hai, 20/05/2013 08:12 SA

Hỏi: Làm sao để biết liệu mình có thể bị nhiễm giun không? Có thể uống thuốc xổ giun mà không cần xét nghiệm? Phan Nhật Tảo (xã Hòa Thắng, Phú Hòa)

 

Trả lời: Có 4 loại giun đường ruột phổ biến thường bị nhiễm gồm: giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim. Dưới đây là các yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm các loại giun kể trên:

 

- Không có nhà vệ sinh hoặc sử dụng nhà vệ sinh không đúng cách: hố xí đào đơn giản, hầm chứa phân không kín làm phát sinh nhiều ruồi nhặng...

 

- Sử dụng phân tươi để bón ruộng, tưới rau làm mầm bệnh dễ phát tán.

 

- Vệ sinh môi trường chung kém, nhiều ruồi nhặng dễ mang trứng giun vào thức ăn.

 

- Không rửa tay trước khi ăn, sau đi đại tiện.

 

- Không thực hiện ăn chín, uống chín. Các loại thực phẩm sống: rau sống, tiết canh, nước lã có nguy cơ mang nhiều mầm bệnh.

 

- Đi chân trần ra đồng bãi nơi có phân người (ấu trùng giun móc xâm nhập vào người bằng cách đi xuyên qua da)

 

- Trẻ em mặc quần xẻ đáy làm rơi trứng giun kim ra giường chiếu, nền nhà…, không cắt móng tay, đùa nghịch đất cát.

 

- Trẻ em có thói quen mút tay.

 

Nơi bạn đang sinh sống nếu càng có nhiều yếu tố thuận lợi thì nguy cơ nhiễm giun càng cao. Mỗi người có thể nhiễm 1 hoặc phối hợp nhiều loại giun. Tỉ lệ nhiễm giun ở nông thôn thường cao hơn thành phố. Ngoài xem xét các yếu tố thuận lợi, các triệu chứng sau đây có thể gợi ý về tình trạng nhiễm giun:

 

- Nhiễm giun đũa: đau vùng bụng trên và quanh rốn, có thể là đau bụng vặt, nặng hơn là đau quặn; có thể có buồn nôn, nôn. Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, suy nhược.

 

- Nhiễm giun móc: lúc mới nhiễm thường không có triệu chứng gì, nhiễm lâu (nhiều tháng, năm) thì triệu chứng chính là triệu chứng của thiếu máu: người mệt mỏi, da khô, nhợt nhạt, móng tay giòn dễ gãy.

 

- Nhiễm giun kim: hay gặp ở trẻ em, trẻ thường bị ngứa hậu môn vào ban đêm, lúc này có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn; trẻ còn có thể bị rối loạn tiêu hóa.

 

Để chắc chắn cần làm xét nghiệm phân tìm trứng giun. Nếu chưa có điều kiện để đi xét nghiệm, nhưng vẫn lo mình bị nhiễm giun, bạn vẫn có thể uống thuốc xổ giun định kỳ khoảng 6 tháng 1 lần với một trong các loại: Mebendazol 500mg/viên, Albendazole 400mg/viên. Các loại thuốc xổ giun này tương đối an toàn, xổ được cả 4 loại giun trên với 1 viên duy nhất cho cả trẻ em và người lớn, có thể uống hoặc nhai.

 

BS Đoàn Văn Hải

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek