“Trong 4 lần về Phú Yên chuyển giao và phát triển kỹ thuật cao về nội soi khớp, tôi đã khám và mổ cho nhiều trường hợp bị chấn thương khớp gối, háng. Cứu chữa người bệnh trên chính quê hương mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Đó là tâm sự của tiến sĩ, bác sĩ Phan Vương Huy Đổng (SN 1966), Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Đổng (giữa) hướng dẫn các bác sĩ trẻ thực hành - Ảnh: CTV
GẮN BÓ VỚI QUÊ HƯƠNG
Huy Đổng sinh ra ở TP Hồ Chí Minh, nhưng gốc ở TP Tuy Hòa. Khi còn nhỏ, Huy Đổng thường được ba mẹ đưa về thăm quê. Từ những lần hiếm hoi nhìn thấy vẻ đẹp bao la, phóng khoáng của biển, anh đã nuôi ý định thi vào Trường đại học Thủy sản Nha Trang. Nhưng vì sức khỏe không tốt, từng bị bệnh phổi nặng nên gia đình khuyên Huy Đổng thi vào ngành Y để có thể tự chăm sóc cho bản thân. Năm 1984, anh trở thành tân sinh viên của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Vì muốn được đồng hành, chia sẻ cùng những người mẹ trong quá trình sinh con, anh đã chọn theo chuyên ngành sản. Năm 1990, anh tốt nghiệp và trở thành bác sĩ tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Y tế TP Hồ Chí Minh (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Tuy nhiên, khi học tiếp lên chương trình thạc sĩ và tiến sĩ, bác sĩ Đổng lại chọn chuyên ngành ngoại chấn thương. Bác sĩ Đổng bộc bạch: “Đó là hai lần rẽ trong quá trình trưởng thành của cuộc đời tôi. Mỗi một lần quyết định rẽ, tôi gặp không ít khó khăn và áp lực, song lại tạo cơ hội và thử thách để tôi nỗ lực, thành công”. Năm 1998, anh tham gia thành lập Hội Y học thể thao TP Hồ Chí Minh và giữ chức vụ Tổng thư ký hội. Hiện nay, bác sĩ Đổng là Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Đổng tham gia vào chương trình chuyển giao và phát triển kỹ thuật cao về nội soi khớp do Hội Y học thể thao TP Hồ Chí Minh hợp tác với các đơn vị y tế trong nước tổ chức từ năm 2003. Chương trình này diễn ra ở khắp các bệnh viện trong nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến tỉnh. Đã 4 lần, bác sĩ Đổng về Phú Yên để chuyển giao công nghệ cho các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khám và mổ cho hơn 100 trường hợp chấn thương khớp. Anh Nguyễn Văn Thái (TP Tuy Hòa), một bệnh nhân bị đứt dây chằng gối do chơi thể thao được bác sĩ Đổng phẫu thuật thành công trong tháng 4/2013, chia sẻ: “Bác sĩ Đổng và các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chẩn đoán chính xác và xử lý thành công hiện trạng bệnh của tôi. Tuy ca mổ của tôi diễn ra vào lúc gần 12g, kíp mổ chưa ăn trưa, nhưng mọi người vẫn rất nhiệt tình và trách nhiệm. Trong lúc phẫu thuật nội soi, bác sĩ Đổng chỉ lên màn hình, phân tích cho tôi chỗ bị thương. Sau đó, bác sĩ còn tư vấn cho tôi những điều nên tránh khi chơi thể thao và vận động mạnh, khiến tôi rất cảm động. Khi biết bác sĩ Đổng quê ở Phú Yên, tôi càng quý trọng anh hơn”.
Bác sĩ Đổng cho biết: “Phú Yên là quê hương của tôi, nên khi chương trình chuyển giao và phát triển kỹ thuật cao về nội soi khớp triển khai ở đây, tôi rất hào hứng và tâm huyết. Trong năm 2013 và 2014, Hội Y học thể thao TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai ít nhất mỗi năm 4 đợt phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nhằm giúp các bác sĩ nâng cao tay nghề và qua đó, tạo cơ hội cho bệnh nhân trong tỉnh được điều trị bệnh tại địa phương với kỹ thuật cao, giảm chi phí điều trị”.
CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH VỀ KHỚP
Bác sĩ Đổng là một chuyên gia đầu ngành trong chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam. Hiện tại, bác sĩ Đổng đã ứng dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong điều trị nội soi khớp và ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về khớp tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là bác sĩ “thân thiết” chuyên xử lý các bệnh về khớp của giới VĐV trong nước. Bác sĩ Đổng đã từng trực tiếp theo dõi và phẫu thuật chấn thương gối cho nhiều tuyển thủ quốc gia như Đỗ Khải, Minh Chuyên, lực sĩ Giáp Trí Dũng… Bác sĩ còn tích cực phối hợp với các đơn vị, báo chí thường xuyên tổ chức các chuyên đề tư vấn về sức khỏe và thể thao như: Những điều cần biết về đi bộ thể thao; Hãy chung sống hòa bình với thoái hóa khớp; Những bài tập cơ bụng hiệu quả nhất; Hướng dẫn khởi động khi chơi thể thao… Bác sĩ Đổng cho lời khuyên: “Khớp gối và khớp háng ngoài chức năng vận động còn có vai trò chịu trọng lực lớn. Đặc biệt khớp gối ít có phần mềm bao bọc nên dễ bị chấn thương. Do vậy, người trẻ tuổi khi luyện tập nên tăng từ từ, thường xuyên và đừng quên khởi động kỹ. Người lớn tuổi có xương khớp đang trong quá trình thoái hóa ở nhiều mức độ khác nhau nên sự vận động tập luyện cần vừa phải, đúng mức, không nên quá sức dễ dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng của khớp. Đặc biệt, mọi người phải biết dừng lại khi khớp bị đau và hãy lắng nghe tiếng nói của cơ thể”. Bác sĩ còn tư vấn thêm: “Khi bị chấn thương, người bệnh tuyệt đối không được kéo nắn bừa bãi, dễ dẫn đến giãn, rách thêm gân, cơ, dây chằng, thậm chí gây trật khớp, làm bệnh nhân rất đau nhức. Tiếp đến, cần tránh xoa bóp các loại rượu thuốc, dầu nóng hoặc đắp thuốc không rõ nguồn gốc, có thể gây viêm bỏng, dị ứng da, nhiễm trùng phần mềm và làm tăng hiện tượng giãn mạch, gây chảy máu trầm trọng, làm vùng bị thương bầm tím, sưng phù, đau nhức dữ dội. Hậu quả là không thể tiếp tục tập luyện trở lại được do chấn thương rất dễ tái phát”.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nhận xét: “Bác sĩ Đổng là một bác sĩ đầu ngành trong chấn thương chỉnh hình và là một “đàn anh” mà chúng tôi rất quý mến. Bác sĩ luôn tận tình hướng dẫn, chuyển giao các công nghệ trong phẫu thuật khớp kỹ thuật cao cho đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Với bệnh nhân, bác sĩ nhiệt tình, chu đáo tư vấn, khám và chữa trị cho họ. Từ bác sĩ Đổng, nhiều người thấy tấm lòng y đức “lương y như từ mẫu” lan tỏa…”.
HÀ MY