Ngày 12/4, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên người.
Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, Sở NN-PTNT, Sở Công thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh; ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Sở NN-PTNT tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A (H7N9), kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi có dịch bệnh trên gia cầm và xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan.
Sở Y tế tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có kế hoạch giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, tổ chức khám sàng lọc, cách ly và kịp thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế lây lan. Có kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực đầu mối buôn bán, giết mổ gia cầm, khu vực có gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 3/4/2013, Trung Quốc đã phát hiện 7 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) tại Thượng Hải, An Huy và Giang Tô, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tất cả 7 trường hợp trên đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Phòng xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên dương tính với cúm A (H7N9) có gen từ nguồn gốc gia cầm. Đây là những trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A (H7N9) gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.
VIỆT DŨNG