Ngày 31/3, Trung Quốc công bố có 3 bệnh nhân bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9 ở Thượng Hải và An Huy, trong đó, 2 người đã tử vong. Ngày 4/4, nước này ghi nhận thêm 6 trường hợp bị cúm H7N9. Tình trạng các bệnh nhân hết sức nguy kịch. Nguy hiểm của vi rút H7N9 là tồn tại trong gia cầm mà không biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin để tiêm phòng cho gia cầm, nhưng khi lây nhiễm cho người thì H7N9 gây bệnh rất nặng và tỉ lệ tử vong rất cao.
Ở Trung Quốc đã có 2 người tử vong vì vi rút cúm gia cầm H7N9.
Như vậy, đầu năm 2013 dịch cúm gia cầm do vi rút H5N1 lây nhiễm cho người vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả thì vi rút cúm H7N9 lại lây nhiễm cho người. Điều đó cho thấy diễn biến của dịch cúm gia cầm hết sức phức tạp. Bên cạnh đó nguy cơ các týp vi rút đang có sự biến đổi và lây nhiễm cho người ngày càng cao. Trong khi chờ các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về cơ chế sinh bệnh, độc lực cũng như biện pháp dự phòng hiệu quả, mỗi người hãy đề cao cảnh giác và có các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam có hiệu quả, không để lây lan dịch bệnh cho người và gia cầm, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt là các tỉnh biên giới phía bắc và các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung: Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; chỉ đạo UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng liên quan phối hợp với lực lượng thú y tổ chức giám sát chặt chẽ các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm, triệt để gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút H7N9 cho người, vận động người chăn nuôi gia cầm mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người dân chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm…
Mặc dầu cho đến nay các nhà khoa học vẫn khẳng định cúm H7N9 chỉ lây từ gia cầm sang người, nhưng vẫn còn quá sớm và không thể chủ quan trước sự biến đổi khó lường của loại vi rút nguy hiểm này. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho mỗi người là phải có ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm gia cầm và vệ sinh cá nhân. Đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trong chế biến thức ăn nhất là thịt gia cầm phải biết nguồn gốc, không sử dụng gia cầm có biểu hiện ôi, thiu…
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên