Y đức là một phạm trù về đạo đức nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải biết, hiểu và làm bằng lương tâm, trách nhiệm, năng lực của mình trong việc cứu chữa người bệnh.
Giỏi chuyên môn là yếu tố để thực hiện tốt y đức. Trong ảnh: giờ thực hành bào chế thuốc cho học sinh Trường trung cấp Y tế Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Trong lịch sử ngành y nhân loại, Hypocrates, ông tổ ngành y hứa sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi. Tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…” Mỗi sinh viên y khoa khi tốt nghiệp đều thề sẽ làm tốt lời dạy của Hypocrates và lấy đó làm phương châm cho con đường nghề nghiệp của mình. Trong y học phương Đông, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng dạy rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công”. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ y tế: Đừng ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn... Tất cả đủ để chứng tỏ rằng vai trò đạo đức nghề nghiệp là hết sức quan trọng, xuyên suốt cả cuộc đời người làm công tác ngành y. Người cán bộ y tế có y đức tốt vừa phải có lương tâm trách nhiệm, lòng nhiệt tình, yêu nghề và yêu thương người bệnh, vừa phải giỏi chuyên môn, lành nghề. Thiếu 1 trong 2 điều kiện đó không thể gọi là có y đức. Để đạt được kết quả đó, cán bộ y tế phải học ngay từ khi ở ghế nhà trường.
Thời gian gần đây, nghề y đang ngày càng phát triển, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao. Đại đa số cán bộ y tế đã chăm lo tốt sức khỏe nhân dân, đem hết lương tâm trách nhiệm và năng lực của mình, chứng minh được đạo đức nghề nghiệp trong phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế đã làm phiền lòng người bệnh, thể hiện bằng tâm lý tiếp xúc không tốt, kỹ năng giao tiếp và ứng xử kém, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề giảm sút. Một số người chạy theo đồng tiền, bỏ mặc người bệnh, không chịu học tập nâng cao tay nghề dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai, gây tai biến và tử vong cho bệnh nhân. Các cơ sở đào tạo y tế chưa thật sự chú trọng dạy đạo đức nghề nghiệp trong trường học… Kết quả này xuất phát từ nhận thức và hành vi không đúng, đi ngược lại đạo đức nghề y, làm phương hại đến tính mạng người bệnh và uy tín nghề nghiệp. Việc này chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân như sự giáo dục và hình thành nhân cách con người trong gia đình, nhà trường và sự rèn luyện đạo đức của mỗi cá nhân; sự quá tải giường bệnh, cường độ lao động quá sức của cán bộ y tế; lương, phụ cấp, đời sống kinh tế cá nhân thấp; sự tác động của vật chất xem người bệnh là món hàng để kiếm lợi; vai trò giáo dục y đức trong nhà trường, xã hội và trong hệ thống cơ sở y tế chưa được đặc biệt chú trọng; luật nghề nghiệp chưa đáp ứng với sự phát triển của xã hội…
Hiện việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp trong nhà trường tối ưu, căn bản nhất là dạy học sinh cách làm người, vấn đề tôn sư trọng đạo, thực hiện nề nếp và kỷ cương trong nhà trường, đối xử với đồng nghiệp, nhận thức nghề nghiệp, yêu thương người bệnh, trách nhiệm của thầy thuốc, và dạy luật nghề nghiệp… Đào tạo tốt y đức trong nhà trường sẽ tạo nhận thức đúng đắn và chuyển đổi hành vi tốt, giúp phát triển tư duy và hành động đạo đức khi hành nghề. Ngoài ra, các giải pháp tác động quan trọng khác như luật nghề nghiệp phải nghiêm, giải quyết tốt vấn đề lương và đời sống viên chức y tế, sự quá tải giường bệnh, môi trường làm việc thăng tiến, thân thiện; sự đồng thuận xã hội cao... sẽ góp phần cải thiện y đức ngày càng tốt hơn.
Bác sĩ CKII. BÙI TRẦN NGỌC
Hiệu trưởng Trường trung cấp Y tế Phú Yên