Mặc dù giữa Trường Sa nắng gió, thiếu thốn máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng quân, dân huyện đảo và ngư dân từ đất liền ra đây đánh bắt hải sản bị đau ốm, tai nạn vẫn được quân y các đảo cứu chữa kịp thời, mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Các thuyền viên tàu QNg-95490TS chúc mừng và cảm ơn các bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa Đông sau ca mổ thành công cho ngư dân Nguyễn Thành Trung bị viêm ruột thừa (Ảnh do bệnh xá cung cấp)
MANG LẠI SỰ SỐNG CHO NHIỀU NGƯ DÂN, CHIẾN SĨ
Trong những ngày khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, nhiều ngư dân các tỉnh không may bị tai nạn lao động, đã tìm đến quân y tại các đảo nhờ cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí. Nhiều trường hợp nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi nhưng sau khi được bàn tay của các bác sĩ, y sĩ nơi đây cứu chữa đã lành bệnh, trở về đất liền. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thành Trung, 36 tuổi, thuyền viên của tàu QNg-95490TS, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được Bệnh xá đảo Trường Sa Đông tiếp nhận trong tình trạng viêm ruột thừa. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc cho biết, khi anh Trung được chuyển lên đảo thì đã ở tình trạng sắp vỡ ruột thừa. Do bệnh nhân đau nhiều giờ nên ruột thừa đã viêm thành mủ và quặn ngược, rất khó xử lý. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, tỉnh táo và tất cả lương tâm của người thầy thuốc, sau một giờ từ lúc gây mê, bác sĩ Ngọc và các y sĩ đã mổ thành công, mang lại sự sống cho anh Trung. Một tuần trước đó, kíp quân y của Bệnh xá đảo Trường Sa Đông đã thực hiện thành công 2 ca mổ cấp cứu đối với 2 bệnh nhân cũng bị đau ruột thừa cấp là thượng úy Trần Văn Thức, nhân viên cơ yếu đảo Đá Đông B và thiếu úy Đặng Trần Anh, Trung đội trưởng khung xây dựng đảo thuộc Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Tây.
Ngày 31/7/2012, Bệnh xá đảo Trường Sa Đông tiếp tục cấp cứu thành công bệnh nhân Phạm Tiễn, 46 tuổi, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị tai nạn trên biển. Bệnh nhân Tiễn được đưa vào bệnh xá trong tình trạng gãy hở xương cánh tay phải, vết thương rộng, mất nhiều máu và sức khỏe rất yếu. Ngay sau đó, kíp quân y bệnh xá đã khẩn trương tiến hành cấp cứu bằng biện pháp cắt lọc vết thương dập nát, khâu cầm máu, đặt dẫn lưu, băng bó cố định xương gẫy, truyền dịch chống sốc và giảm đau. Đến sáng hôm sau, sức khỏe bệnh nhân Tiễn cơ bản ổn định, không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Đó là 4 trong số rất nhiều trường hợp mà quân y trên các đảo Trường Sa đã kịp thời cứu chữa. Ở Bệnh xá thị trấn Trường Sa Lớn, các y bác sĩ ngoài việc làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội trên đảo còn cấp cứu thành công cho nhiều ngư dân bị tai nạn lao động trên biển. Trong năm 2012, cùng với việc khám, chữa bệnh cho quân dân trên đảo, quân y của bệnh xá đã khám, chữa bệnh cho hơn 500 lượt ngư dân trên biển, trong đó phẫu thuật, cấp cứu kịp thời thành công gần 10 ca khó do bị tai nạn lao động. “Với trách nhiệm của một thầy thuốc và sự cẩn trọng ở từng ca bệnh, hầu hết các trường hợp đưa đến Bệnh xá thị trấn Trường Sa Lớn đều được xử lý kịp thời, đúng phương pháp và sớm phục hồi sức khỏe”, đại úy, bác sĩ Phan Đình Mừng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá thị trấn Trường Sa Lớn tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc khám bệnh cho một ngư dân - Ảnh: H.MY
Y ĐỨC LAN TỎA
Mặc dù các bệnh xá ở quần đảo Trường Sa đã dần được nâng cấp về phòng khám chữa bệnh, song cơ sở vật chất y cụ còn thiếu; nhất là thiếu các thiết bị chuyên ngành phẫu thuật như đèn chiếu sáng, dụng cụ thụt tháo, thuốc gây mê; phòng để phẫu thuật cũng chưa bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa, khí hậu khắc nghiệt, việc bảo quản các y cụ cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiễm hơi nước biển mặn, trong khi đó công tác khám chữa bệnh cho quân dân trên đảo phải bảo đảm thường xuyên. Cho nên, sự nỗ lực của các bác sĩ, y sĩ ở Trường Sa là rất lớn. Bác sĩ Ngọc cho biết: “Nguyên tắc mổ là không được để gió thổi vào vết thương, nghĩa là mổ trong phòng kín có điều hòa nhiệt độ; trong khi đó, phòng mổ ở Trường Sa chỉ có quạt. Ngoài ra, trước khi mổ ruột thừa phải siêu âm, xét nghiệm xem ruột thừa đã vỡ hay chưa và xác định vị trí ruột thừa viêm chỗ nào, song ở Trường Sa chưa có máy siêu âm và xét nghiệm. Bởi vậy, yếu tố quyết định thành công của ca mổ vẫn là bản lĩnh, trình độ và tâm đức của bác sĩ”. Cũng theo lời của bác sĩ Ngọc, có nhiều ca mổ khó, kíp mổ của bệnh xá tận tụy cứu người mà quên cả ăn. Sự căng thẳng chỉ được giải tỏa khi thấy sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định.
Cứ hằng năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 7A, 7B Cục Hậu cần Quân khu VII, Bệnh viện Quân y 175, 103… đều cử một đoàn y, bác sĩ ra các đảo của Trường Sa công tác. Các đoàn quân y này vừa có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ để các anh yên tâm, bảo vệ biển đảo quê hương, vừa kịp thời cứu chữa cho ngư dân gặp nạn để họ vững tâm vươn khơi, góp phần khẳng định chủ quyền của dân tộc. Thiếu úy, y sĩ Hà Thanh Hải, bệnh xá đảo Trường Sa Đông tâm sự: “Vừa mới lập gia đình được gần hai tuần thì tôi phải nhận nhiệm vụ ra đảo. Tinh thần của một người lính và trách nhiệm cứu người của một lương y dạy tôi không được chùn chân mà phải luôn sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Niềm vui lớn nhất của tôi là được cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết để phục vụ cho Tổ quốc và cứu chữa người bệnh. Còn niềm hạnh phúc là nhiều ngư dân gặp nạn, sau khi được quân y của bệnh xá cứu chữa, đã xem đảo như là nhà, y bác sĩ như là người thân, trong mỗi chuyến ra khơi thường mang cá vào đảo biếu và về đất liền hay gọi điện ra thăm hỏi”.
Sau những giọt mồ hôi của các bác sĩ, y sĩ ở quần đảo Trường Sa, là niềm vui và sự sống của quân, dân huyện đảo và ngư dân đi biển. Ở đó, không có sự phân biệt giữa bác sĩ hay bệnh nhân, chỉ có tình người tình đời hòa lẫn vào nhau giữa ngàn trùng sóng biếc. Để rồi, sau khi tái sinh nhờ bàn tay của các quân y, nhiều ngư dân và chiến sĩ đã xem Trường Sa như là nhà, là điểm tựa để vươn khơi và gìn giữ.
HÀ MY