Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết: Hiện nay, dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam.
Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, cúm, dại, tay chân miệng là nguyên nhân gây ra số người mắc và tử vong cao, nguy cơ xảy ra dịch lớn ở một số địa phương. Trong khi đó, một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và còn giao phó chủ yếu cho ngành Y tế; hệ thống giám sát còn nhiều bất cập như thiếu cán bộ, chính sách thu hút các nguồn lực và đãi ngộ đối với cán bộ y tế dự phòng còn hạn chế; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa mạnh; đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương còn thiếu và muộn; đầu tư cho dự phòng phát hiện sớm các bệnh dịch chưa được quan tâm thích đáng...
Năm 2013, ngành Y tế tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh ở từng địa phương; duy trì giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin báo cáo, giám sát dịch bệnh, triển khai phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc; đảm bảo tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 90%. Ngoài ra ngành Y tế chú trọng các biện pháp giảm tử vong như tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, phân tuyến điều trị; tập trung cho 5 đơn vị huấn luyện và điều trị tại 5 bệnh viện đã được phân công; cập nhật, tập huấn phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống khác thuốc; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế trường học nhằm góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh...
Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2012, ngành Y tế đã kiểm soát tốt các dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm và mới nổi. Cụ thể, cả nước không ghi nhận trường hợp mắc tả, dịch hạch; tỉ lệ mắc cúm A(H5N1) ở mức thấp (0,004/100.000 dân); số trường hợp tử vong do mắc bệnh tay chân miệng giảm 73,5%; số người mắc bệnh rubella giảm 99,7%; số người mắc bệnh não mô cầu giảm 49,4%... so với năm 2011. Đặc biệt, số người mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 15%, tử vong giảm 24,6%. Tỉ lệ mắc các bệnh có vắc xin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác giảm dần hàng năm; duy trì thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em đạt trên 90%. Ngành Y tế đã thiết lập được hệ thống giám sát trọng điểm tay chân miệng, tả, cúm tại các tỉnh có nguy cơ cao; triển khai thử nghiệm phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm tại 7 tỉnh, thành phố...
(TTXVN)