Thứ Ba, 08/10/2024 01:25 SA
“Những cây thuốc nam thông dụng ở Phú Yên”:
Thành quả sau 5 năm nghiên cứu
Thứ Hai, 24/12/2012 18:00 CH

Thấy được tầm quan trọng của cây thuốc nam, các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã làm một cuộc điều tra, tìm hiểu số lượng cây thuốc nam thông dụng đang mọc trên địa bàn; sưu tầm những kinh nghiệm về cách trồng, bào chế, sử dụng các vị thuốc nam và làm thành tập sách có tên “Những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên”.

Quyển sách chứa đựng tâm huyết của các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền và có sự đóng góp lớn của thạc sĩ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền.

anh-thuoc121224.jpg

Bác sĩ Lê Văn Thức và bản thảo tập sách “Những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên” - Ảnh: T.HÀ

HÀNH TRÌNH TÌM CÂY THUỐC, BÀI THUỐC

Năm 2003, thạc sĩ Lê Văn Thức thường có những chuyến công tác chỉ đạo tuyến. Trong những chuyến đi này, ông thấy hầu hết các trạm y tế xã, trường học đều có vườn thuốc nam nhưng chủ yếu trồng để làm cảnh; người dân còn ít hiểu biết về cây thuốc và các bài thuốc nam thông dụng nên việc sử dụng cây thuốc chưa cao. Để phong trào trồng và sử dụng cây thuốc nam phát triển bền vững, ông có ý muốn tuyển chọn, sau đó tổng hợp các tài liệu về cây thuốc và bài thuốc hay để phổ biến đến người dân. Việc sưu tầm các bài thuốc hay trong các báo và tạp chí y dược đã được thạc sĩ Lê Văn Thức tiến hành từ năm 2003. Đến năm 2010, khi tài liệu tương đối đầy đủ, ông cùng nhóm cộng sự tiến hành thực hiện đề tài sưu tầm các cây thuốc và bài thuốc hay phổ biến trong nhân dân để chữa các bệnh thông thường. Công việc sưu tầm, tuyển chọn là một công việc khó khăn, vất vả đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Công tác khảo sát, điều tra cây thuốc nam được thực hiện tại 112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi nơi, nhóm thực hiện đề tài tiếp cận với một số thầy thuốc đông y tiêu biểu và những người thu hái, buôn bán dược liệu để phỏng vấn và ghi vào phiếu điều tra. Mỗi lần xuống địa phương, nhóm mất nhiều thời gian cho việc tìm nhà, tìm người, tìm cây thuốc để chụp ảnh. Công tác phí năm 2010 là 30.000 đồng/người cho mỗi chuyến công tác xuống các xã, bất kể xa gần, nên xuống lần một không gặp được người thì nhóm phải tự bỏ tiền túi ra cho chuyến đi thứ hai. Cũng may, trong các chuyến đi ấy, nhóm được lương y địa phương nhiệt tình cung cấp những bài thuốc hay, cây thuốc mới.

Không chỉ eo hẹp về kinh phí, khó khăn về đi lại, nhóm nghiên cứu còn rất vất vả trong việc tìm ra những cây thuốc hiếm trong các bài thuốc để chụp ảnh làm tài liệu. Số loài cây khó tìm này phần lớn bị tận thu do nạn phá rừng làm rẫy như: thiên niên kiện, cẩu tích, thạch hộc, hoàng đằng, sa nhân, huyết giác, cam thảo Đá Bia, thiên môn đông, mật nhân, cổ tay, tô mộc, thổ phục linh, ô dước nam, sài hồ cát... Để tìm cây cam thảo Đá Bia, ông Thức cùng nhóm cộng sự, lương y địa phương và người chuyên thu hái dược liệu phải cất công, leo lên tận đỉnh núi tìm kiếm. Theo các tài liệu cũ, cây cam thảo này ngày trước mọc nhiều ở chân núi và đỉnh núi Đá Bia nhóm nghiên cứu lên tới đỉnh núi mà vẫn chưa tìm ra.

THÀNH QUẢ SAU NHIỀU NĂM NGHIÊN CỨU

Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, họ đã thu được những kết quả xứng đáng với công sức và tâm huyết đã bỏ ra. Nhóm đã thu được kết quả sơ bộ về chủng loại, nơi mọc, trữ lượng của những cây thuốc nam thông dụng trên đất Phú Yên; sưu tầm được những tài liệu nói về cách trồng, bào chế, tác dụng, liều dùng và ứng dụng của các cây thuốc nam; chụp ảnh các cây thuốc nam tìm được. Sau khi thu được các kết quả trên, nhóm nghiên cứu tiến hành biên tập các tài liệu thu nhận được và in thành tập sách một cách cô đọng, ngắn gọn, dễ áp dụng về cây thuốc nam thông dụng. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm 292 cây thuốc, trong đó có nhiều cây trùng lặp nên sau khi loại trừ, chỉ còn 118 cây thuốc được đưa vào tập sách “Những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên”.

Sách đã chia các cây thuốc thành 4 nhóm: Nhóm cây thuốc - cây rau có 23 cây với 68 bài thuốc; nhóm cây thuốc - cây ăn củ, ăn trái có 13 cây với 96 bài thuốc; nhóm cây thuốc - cây cảnh có 12 cây với 64 bài thuốc; nhóm cây thuốc đơn thuần có 70 cây với 426 bài thuốc. Mỗi cây thuốc đều được biên tập tên gọi, cách trồng, bộ phận sử dụng và cách thu hái, bào chế, tác dụng, liều dùng và bài thuốc ứng dụng cây thuốc đó. Số bài thuốc ứng dụng của 118 cây thuốc trên là 590 bài. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy: trong số các cây thuốc, cây có ít bài thuốc ứng dụng nhất là cây cau, quất, sài hồ nam, muồng trâu, kim tiền thảo; cây có nhiều bài thuốc ứng dụng nhất là thổ phục linh, ngải cứu, cỏ mực, dâu tằm, sắn dây, gừng, hẹ; trong số các bài thuốc, các bài chữa bệnh ho, hen suyễn, cảm mạo, thấp khớp, kiết lỵ chiếm số lượng nhiều. Nhóm thực hiện đề tài đã chụp được 140 bức ảnh về các cây thuốc, các vườn thuốc của các trạm y tế xã và của một số thầy thuốc đông y ở các địa phương. Số ảnh trên được đưa vào sách và dùng làm tư liệu tham khảo.

Kết quả thống kê cũng cho thấy trong 154 cây thuốc nam thông dụng, có 59 cây trồng, 38 cây vừa trồng, vừa mọc hoang và 57 cây mọc hoang. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thừa kế được những cây thuốc lạ mà người sử dụng đặt tên theo tiếng địa phương hoặc theo tác dụng của cây thuốc, nhưng chưa thấy có tên trong các sách, báo, tài liệu của các học giả chuyên ngành biên soạn, như cây tầm xoong, dằng xẽ, lá lách, cây chữa bao tử, củ đèn, rong đuôi chồn, cổ tay… Những cây thuốc này cần được đánh giá tác dụng một cách khoa học hơn mới có thể phổ biến để sử dụng.

Kết quả nghiên cứu trên của đề tài là nguồn tư liệu rất có giá trị để giúp cho ngành Y tế và Bệnh viện Y học cổ truyền làm công tác chỉ đạo tuyến sâu sát, toàn diện hơn. Đặc biệt quyển sách “Những cây thuốc nam thông dụng ở Phú Yên” sẽ giúp cho các tuyến y tế cơ sở, các thầy thuốc đông y sử dụng và tuyên truyền trong nhân dân về công tác trồng, bảo tồn, sử dụng thuốc nam.

THÁI HÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek