Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 20/CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng.
Trẻ em luôn được quan tâm khám, chữa bệnh - Ảnh: K.CHI
Chỉ thị 20 nêu rõ: Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã từng bước được hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường. Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỉ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng; đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập trung học phổ thông ở một số địa phương có điều kiện. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQVN và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020... Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, cần xác định các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xã hội. Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Khi lập các dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở phải dành diện tích thích hợp để xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em…
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bên cạnh sự chăm lo của nhà nước, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em từng bước được xã hội hóa, đã có nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em, nhiều phong trào từ thiện giúp đỡ trẻ em một cách hiệu quả, thiết thực. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc trẻ em; tổ chức truyền thông thông qua các cơ quan chức năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức đều đặn các hoạt động vui chơi tặng quà, học bổng cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; tư vấn bảo vệ trẻ; vận động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch; tạo hình sẹo bỏng, trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; xây dựng được 87/112 xã phường lành mạnh; phát 86.936 thẻ bảo hiểm y tế…
Theo bà Phạm Thị Tương Lai, có được kết quả trên chính là nhờ công tác truyền thông vận động xã hội hóa thay đổi hành vi có vai trò đặc biệt trong công tác trẻ em, vì công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi cá nhân chúng ta. Bên cạnh đó, trong công tác trẻ em, tỉnh luôn ưu tiên đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, việc củng cố hoàn thiện bộ máy nhân sự làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải từ tỉnh xuống cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên ở thôn buôn phải được xây dựng. Bên cạnh đó, các địa phương còn đẩy mạnh việc ban hành tiêu chí xã phường phù hợp trẻ em. Điều này nhằm giúp trẻ em có cơ hội được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, tiến tới giảm thiểu các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em.
KIM CHI