Thứ Sáu, 29/11/2024 09:46 SA
Hỗ trợ dụng cụ cho người khuyết tật
Thứ Hai, 26/11/2012 08:30 SA

Một xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình nằm ngay Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên. Một già, một trẻ luôn lăn xả trong xưởng để cho ra những dụng cụ chỉnh hình và những chiếc chân giả phù hợp với từng bệnh nhân, từng người khuyết tật. Với nhiều người, sự quan tâm hỗ trợ dụng cụ thiết thân đã giúp họ giảm bớt những khó khăn trong điều trị, PHCN và trong vận động hàng ngày.

 

Lam-chan-gia121126.jpg

Thầy Nguyễn Quy và anh Trần Sang làm công đoạn hoàn thiện chân giả - Ảnh: T.THỦY

CHIA SẺ KHÓ KHĂN

 

Anh Trần Sang với công việc chính từ năm 2007 đến nay là kỹ thuật viên Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Phú Yên. Anh phụ trách PHCN vận động cho những bệnh nhân nội trú sau khi điều trị tai biến, tổn thương cột sống và những bệnh nhân ngoại trú sau các chấn thương do tai nạn. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, anh tham gia học thêm nghề sản xuất dụng cụ chỉnh hình và chân, tay giả để cung cấp ngay tại bệnh viện, tạo thuận lợi cho điều trị, PHCN người bệnh tại chỗ. Còn người khuyết tật có nhu cầu làm chân giả không phải đi xa gây tốn kém, khó khăn. Đặc biệt, dụng cụ được cấp miễn phí cho người khuyết tật ở 26 xã thuộc chương trình PHCN dựa vào cộng đồng được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ.

 

Có chương trình tài trợ cho anh Sang tiếp tục đi học nâng cao về kỹ thuật làm dụng cụ chỉnh hình, tay chân giả, nhưng vì có sẵn cơ sở sản xuất, lãnh đạo bệnh viện đã thuê người về dạy tại chỗ. Việc này tạo thuận lợi cho anh Sang về mặt thời gian cũng như không bị ngưng việc sản xuất khi thành viên duy nhất của xưởng vắng mặt. Vì gánh cả hai việc nên lúc anh ở xưởng, khi ở phòng tập luyện. “Sản xuất một chân giả tính ra chỉ có hai công, nhưng phải kéo dài đến một tuần vì phải qua nhiều công đoạn”, anh Sang cho biết.

 

Từ khi có thầy Nguyễn Quy về hỗ trợ, việc tạo hình chính xác hơn, không mất công để làm lại. Anh Sang nói: “Khi chân giả được trao cho họ, họ đi tốt mình thấy vui lắm”. Thầy Quy về Phú Yên truyền những công đoạn khó cho anh Sang. Trước thầy làm ở Trung tâm Chỉnh hình Quy Nhơn, nay đã về hưu nhưng người thầy 64 tuổi này luôn nhiệt huyết với nghề. Thầy Quy bảo: “Hồi trước tôi thường đi ngoại viện để giúp cho Quảng Ngãi, Phú Yên. Có những tổ chức tài trợ 500 chân giả thì tôi phải đi đến các tỉnh để bó bột lấy mẫu. Mỗi người mỗi khác, không có khuôn mẫu chung. Mình vất vả đã đành, nhưng khó nhất là khi bệnh nhân ở xa tới họ yêu cầu làm sớm để về gấp khi kỹ thuật chưa cho phép, còn giữ lại thì họ không có kinh phí”.

 

Anh Sang cho biết, ngoài sản xuất được mấy chục dụng cụ chỉnh hình (nẹp, áo chỉnh hình, dụng cụ cho bàn chân, bàn tay…) theo chỉ định của bác sĩ, xưởng đã làm chân giả cấp cho 80 người.

 

Ông Võ Diệm, một thương binh ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) bị cụt một chân trong chiến tranh. Ông Diệm cho biết: “Trước đây, tôi cũng từng được lắp chân giả. Đến lúc phải thay chân giả tôi thấy ái ngại vì phải đi xa và tốn kém nhiều. Khi nghe thông báo có chương trình lắp ráp chân, tay giả ở Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Phú Yên, tôi phấn khởi lắm. Tôi là người được lắp chân giả đầu tiên tại bệnh viện và được miễn phí”.

 

PHÁT TRIỂN CƠ SỞ

 

Xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Phú Yên sản xuất các dụng cụ chỉnh trực, chân tay giả phục vụ cho bệnh nhân và bệnh nhân sau tai biến, chấn thương sọ não, liệt tủy, bàn chân bị xoay trong xoay ngoài đang được điều trị tại đơn vị, đồng thời sản xuất chân, tay giả cho nhu cầu của người dân. Xưởng sản xuất này không nhằm mục đích thương mại. Đây là một trong những nỗ lực của bệnh viện hướng về người khuyết tật và thương bệnh binh. Cơ sở này được đầu tư trang thiết bị ban đầu với kinh phí hơn 400 triệu đồng, do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ. Hàng năm, tổ chức này bổ sung thêm kinh phí để đầu tư kỹ thuật, vật liệu sản xuất.

 

Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Phú Yên, cho biết: Nghề sản xuất các dụng cụ chỉnh hình thuộc loại hình hoạt động kỹ thuật - y học. Thiết kế dựa trên những kết quả thăm khám, đánh giá trực tiếp trên người bệnh trên nhiều phương diện, và được sản xuất bởi sự phối kết hợp nhiều loại vật liệu, nhằm thay thế chức năng thiếu hụt hay bị mất. Dụng cụ chỉnh hình được gắn trực tiếp vào cơ thể người bệnh, tạm thời hoặc là suốt đời. Thời hạn sử dụng tối thiểu chân giả hay nẹp chỉnh hình cấp lần đầu là 3 năm; trẻ em từ 13 đến 17 tuổi thời hạn sử dụng là 2 năm, từ 12 tuổi trở xuống là một năm. Vì vậy, phải tiếp tục sản xuất để thay mới cho họ.

 

Số lượng người cần lắp mới và thay chân, tay giả tại địa phương và các tỉnh cân lận rất nhiều, có thể lên đến 1.000 trường hợp. Để duy trì hoạt động của xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình cũng như hỗ trợ cho người khuyết tật, theo bác sĩ Thịnh, sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và các tổ chức nhân đạo để hỗ trợ miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Còn những trường hợp khác thì người bệnh cũng phải phối hợp để có kinh phí mua vật liệu sản xuất dụng cụ chỉnh hình. Điều này rất tiện cho người có nhu cầu, vì nếu đi tỉnh khác, ít nhất cũng phải mất 3 lần mới thay chân được, rất tốn kém về thời gian và chi phí.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek