Thứ Năm, 10/10/2024 21:20 CH
Xổ giun
Thứ Hai, 16/07/2012 07:00 SA

Hỏi: Trẻ nhỏ 2 tuổi có xổ giun được không? Cách đây 3 tháng, bác sĩ cho cháu uống thuốc xổ giun, vừa rồi ở trạm y tế, các cô cho cháu uống tiếp 2 viên xổ giun. Uống thuốc xổ giun nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu?

Nguyễn Thị Cẩm

(xã Hòa Quang Nam, Phú Hòa)

Trả lời: Các thuốc xổ giun phổ biến hiện nay gồm:

Mebendazole với các tên biệt dược khác nhau như: Vermox, Fugacar, Vermifar, Ascar, Benda 500... Mebendazole hầu như không gây độc cho người, ít được hấp thu vào máu, 90% thuốc được bào thải theo phân trong 24 giờ sau khi uống. Thuốc ức chế hấp thu glucose của giun, làm cho giun bị chết dần, giun bị đào thải theo phân dần dần 3-7 ngày sau khi điều trị.

Sử dụng thuốc này rất an toàn ngay cả đối với những bệnh nhân suy dinh dưỡng và bệnh nhân thiếu máu. Phản ứng phụ không mong muốn có thể gặp là đau bụng đối với những trường hợp nhiễm rất nhiều giun.

Liều dùng đối với trẻ em trên 2 tuổi và người lớn: 1 viên 500mg duy nhất, uống hoặc nhai, có thể nhai cùng với thức ăn.

Albendazole, biệt dược: Zentel, Aldazol… Thuốc ức chế sự hấp thu glucose của giun làm giun mất năng lượng. Albendazole có hiệu quả hơn Mebendazole trong điều trị các bệnh do giun móc, nang sán (như hydatid cyst). Albendazole và các chất chuyển hóa được đào thải qua nước tiểu.

Thuốc rất an toàn đối với cả những bệnh nhân suy dinh dưỡng và thiếu máu. Với liều điều trị từ 1-3 ngày: Albendazole hầu như không có tác dụng phụ, cả khi bệnh nhân nhiễm nhiều giun. Những tác dụng phụ không mong muốn như đau bụng, buồn nôn, mệt nhọc, mất ngủ, có ở khoảng 6% bệnh nhân, nhưng chỉ thoáng qua.

Liều dùng: trẻ 1-2 tuổi: 1 viên Albendazol 200mg, trên 2 tuổi và người lớn: 2 viên 200mg, uống hoặc nhai, có thể nhai cùng với thức ăn.

Các trường hợp không nên uống thuốc xổ giun: Trẻ đang đau bụng, sốt cao (>38,50C); đang bị các bệnh mãn tính như: tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản; có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.

Khi xổ giun cần theo dõi 48 giờ sau khi uống thuốc. Các trường hợp có triệu chứng đau bụng cần theo dõi tại trạm y tế xã. Nếu có các triệu chứng tắc ruột do quá nhiều giun cần xử trí ngoại khoa tại bệnh viện. Xổ giun định kỳ hoặc theo chỉ định của y bác sĩ (có thể 2-3 tuần sau liều đầu) không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ.

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek