Dinh dưỡng hợp lý trong mùa hè oi bức cho những đứa con yêu luôn là sự quan tâm của các bà mẹ. Theo các chuyên gia tư vấn, dinh dưỡng của bé cần bổ, mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể, tránh được các bệnh mùa hè.
Những trái cây thích hợp dùng trong mùa hè - Ảnh: MINH TUẤN
Tình trạng trẻ bị tiêu chảy, nổi rôm sảy đang xảy ra phổ biến ở các địa phương trong mùa hè nắng nóng này. Nhiều bà mẹ tỏ ra lúng túng trong việc chăm sóc con.
Chị Lê Thị Hòa (phường 1, TP Tuy Hòa) than vãn: Mấy ngày nay hai đứa con nhà chị bị nổi mẩn đỏ đầy mình. Đồng thời, trời nóng các con chị trở nên biếng ăn nên sút cân. Sau nhiều ngày các con chị uống thuốc và thoa thuốc ngoài da bệnh vẫn không khỏi. Chị Hòa hoảng lên định đưa con đi xét nghiệm máu. Còn chị Hồ Thị Như (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cho biết: “Bé Thúy nhà tôi hôm rồi mắc bệnh tiêu chảy. Trời nắng, nóng, con bé cứ ngậm đá và ăn kem liên tục, nên đau bụng rồi bị tiêu chảy. Cơ thể bé mất nước nên phải bù nước theo chỉ dẫn của bác sĩ”.
Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, cho rằng: Cần bổ sung vitamin A, C cho trẻ trong những ngày thời tiết oi bức. Các bà mẹ nên tăng cường nhóm rau thanh nhiệt mùa nóng qua các món: canh cua rau đay, mồng tơi, rau dền, rau muống, canh bầu nấu tôm, canh mướp và các loại rau cải… Những món này dễ tiêu hóa lại có nhiều chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, da dẻ không thô ráp. Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt trên để giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ... Cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa chua, bánh flan...
Uống nước ít hơn nhu cầu là một trong những nguyên nhân làm cho cơ thể suy yếu, vì vậy cần tăng cường cho bé uống nước, nhất là các loại nước uống giàu dinh dưỡng như nước ép trái cây, rau má, nước mía. Tránh cho bé ăn các loại hoa quả ngọt như: sầu riêng, mít vì chúng chứa nhiều năng lượng dễ sinh mụn nhọt, rôm sảy và gây “no ngang”. (suckhoedoisong.vn) |
Theo tư vấn của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh: Thức ăn của bé cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ. Mùa hè, cho bé uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Thức uống có giá trị dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua, sinh tố, nước ép trái cây. Cần cho bé uống thêm các loại nước mát và bổ dưỡng, bé sẽ bớt nổi mụn, nổi mẩn trên da, đồng thời cơ thể của bé sẽ tăng sức đề kháng với các bệnh lý dễ xảy ra vào mùa nắng nóng. Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến bé mắc những bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chú ý thức ăn dễ ôi, thiu, do vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết.
Chị Nguyễn Thị Thoa, giáo viên nuôi, dạy trẻ mầm non, mẫu giáo ở phường Phú Đông cho biết, trong những ngày hè oi bức, các chị thường xuyên nấu các món cháo cho trẻ vì dễ ăn, dễ tiêu và cung cấp nhiều nước. Họ nấu cháo theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, tức là nấu kèm rau, củ (cháo tôm nấu với đậu hủ, nấm rơm; cháo thịt bò nấu với cà rốt; cháo cua đồng nấu với nấm rơm…; hạn chế cho bé ăn đồ chiên xào vì các món này tuy nhiều năng lượng nhưng khó tiêu hóa khiến các bé dễ bỏ các bữa sau.
Chị Hoàng Thùy Liên (phường 4, TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Các con tôi vẫn khỏe và lên cân đều trong mùa hè. Một kinh nghiệm là nếu bé thích ăn kem, tôi chọn các loại kem làm từ trái cây thiên nhiên như: chanh dây, dâu, cam sữa tươi, thơm, chuối… thay cho các loại kem làm từ hương liệu và đường. Trong trường hợp bị rôm sảy, tôi làm theo kinh nghiệm dân gian là cho bé tắm nước khổ qua (giã nhỏ khổ qua, lược lấy nước cốt pha nước tắm). Sau vài lần tắm, bé sẽ hết rôm sảy.
MINH TUẤN