Nhiều thai phụ cứ nghĩ, chăm sóc mẹ lúc mang bầu là để chăm sóc con sao cho đủ cân nặng. Nhưng theo các bác sĩ, dinh dưỡng trong khi mang thai không chỉ dành để tăng trọng lượng cho bé, mà còn có vai trò phòng ngừa những dị tật và tai biến sản khoa.
Hoa quả tươi là thực phẩm giúp bà bầu bổ sung acid folic - Ảnh: MINH TUẤN
Câu hỏi đầu tiên của mọi người khi bé vừa chào đời là “bé được mấy ký?”. Gần như mục tiêu của 99% các bậc ông bà, cha mẹ chăm sóc tiền sản là làm sao để bé lớn và được đủ cân ngay từ trong bụng mẹ. Nhiều người cứ nghĩ chăm sóc mẹ là nhằm chăm sóc con thông qua cân nặng. Nhưng theo các bác sĩ, ý nghĩa to lớn của việc này không chỉ có vậy. Dinh dưỡng tiền sản không chỉ dành để tăng trọng lượng cho bé, mà còn có vai trò phòng ngừa những dị tật và những tai biến sản khoa.
Nhiều người vẫn nghĩ, những dưỡng chất đưa vào dành cho sự phát triển cơ thể người mẹ. Theo dõi trong cả thời gian mang thai, người ta thấy ở một giá trị trung bình thường gặp, người mẹ sẽ tăng trọng lượng khoảng 12kg vào ngày cuối cùng của thời kỳ thai sản. Theo phân tích của các nhà khoa học, thai nhi và các phần phụ của thai nhi chiếm khoảng 40% con số này, nghĩa là xấp xỉ khoảng 4,5-4,8kg. 60% khối lượng tăng trưởng còn lại cũng chẳng phải người mẹ sở hữu hết. Có tới 15% tiếp theo là sự gia tăng vào tuyến sữa và hệ máu để nuôi dưỡng thai và chuẩn bị cho thời kỳ bú mẹ. Con số thực chất mà người mẹ thu được đó là 45%, trong đó chỉ có 30% là người mẹ lên cân nhờ tích vào mỡ.
Tại các buổi tư vấn dinh dưỡng cho các bà bầu mang thai, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên thường phân tích khá kỹ những chất dinh dưỡng liên quan đến thai kỳ. Bác sĩ Tuấn cho rằng, việc chăm sóc cho mẹ rõ ràng là việc chăm sóc cho bé mai sau. Vì lý do chuyển hóa tăng lên ở người mẹ mang thai, vì lý do đứa trẻ lớn dần, vì lý do bà mẹ cần sức khỏe hơn giúp cho quá trình thai sản mà nhu cầu dinh dưỡng ở người mẹ tăng có tính vượt bậc. Nhu cầu dinh dưỡng ở đây là nhu cầu dinh dưỡng chung, bao gồm cả chất bột đường như cơm, phở, bánh mì, bún; chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa; chất béo như dầu, mỡ. Các nguyên tố vi lượng cũng vì thế mà tăng theo như sắt, canxi, kẽm... Có hai chất mà không thể không bổ sung trong thời kỳ mang thai đó là sắt và acid folic, kể cả khi người mẹ đã ăn một chế độ dinh dưỡng tăng cường.
Sự có mặt của acid folic là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho tế bào phân chia và cơ thể lớn lên. Nó cũng là chìa khóa cho việc cung cấp nguyên liệu bổ sung cho việc sản sinh đủ máu cho cơ thể. Đứng về góc độ thai kỳ, đây là một chất góp phần cho sự đảm bảo duy trì đủ ngày tháng cho đứa trẻ, làm giảm nguy cơ mắc phải hiện tượng sinh non. Xét dưới góc độ phát triển thể chất và tâm thần, acid folic giúp cho bé được phát triển đầy đủ, bé sẽ không bị chứng chậm phát triển. Một ý nghĩa quan trọng nhất của acid folic là nếu bà mẹ được bổ sung đầy đủ acid folic trong thời kỳ mang thai thì sẽ giảm 30% dị tật khuyết thiếu ống sống ở trẻ em. Giai đoạn mang tính quan trọng hàng nhất của acid folic là giai đoạn đầu của thai kỳ, đặc biệt là 1 tháng đầu tiên, tháng hình thành nên các mầm thần kinh. Gan, thận, hải sản, hoa quả tươi, súp lơ, rau cải là những thực phẩm khuyên dùng.
Sắt là nhân tố trung tâm của tế bào máu và do đó là nhân tố trung tâm của máu trong thời kỳ thai nghén. Hầu như 100% bà mẹ đều bị thiếu máu do thiếu sắt khi thai kỳ. Để người mẹ đủ máu, tính trung bình, mỗi ngày cần phải bổ sung 2-4,8mg sắt, tương đương với 20-48mg sắt trong thực phẩm. Người ta đã tính toán và thấy rằng, một chế độ ăn trung bình chỉ cung cấp được 10-15mg sắt/ngày. Sự bổ sung sắt cho bà mẹ đặc biệt quan trọng thời kỳ giữa và thời kỳ cuối của thai nghén, tức là từ tháng thứ 6 trở đi. Việc uống bổ sung viên sắt và sử dụng những thực phẩm giàu sắt là một việc làm khuyến khích. Tim, gan, mộc nhĩ, nấm, nghệ... là những thực phẩm “vàng” của sắt.
MINH TUẤN