Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp trong phạm vi cả nước. Theo đánh giá chung của Bộ Y tế, trong ba tháng đầu năm 2012, số trường hợp mắc TCM tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu của Bộ Y tế đưa ra là khống chế số trường hợp mắc bệnh, giảm thiểu các biến chứng của bệnh và giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Các nhà khoa học đã nghiên cứu đặc điểm dịch tể, nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh, biện pháp ngăn chặn biến chứng nặng của bệnh, các biện pháp dự phòng và đã áp dụng có hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, để dập tắt dịch bệnh còn nhiều thách thức không nhỏ và là mối quan tâm của mọi người.
Ở Phú Yên, tính đến nay ghi nhận gần 230 trường hợp mắc bệnh TCM ở tất cả các địa phương, không có tử vong. Những huyện có số người mắc bệnh nhiều là Tuy An, Tây Hòa, Sông Cầu, Đông Hòa. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trên 90% là trẻ dưới ba tuổi và trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ em gái. Đặc biệt, ở Phú Yên các trường hợp mắc bệnh hầu hết là trẻ ở tại gia đình, trong khi đó ở các tỉnh khác trẻ mắc bệnh lại tập trung ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Đặc điểm này rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
Dịch bệnh TCM là do virus coxsackie A 16 và Enterovirus 71(EV 71) lây bệnh qua đường tiêu hóa, trong đó EV 71 thường gây biến chứng nặng, tổn thương não và dễ tử vong. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh này. Các bệnh nhân được điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, các trường hợp cần thiết thì sử dụng gamma globulin để hỗ trợ miễn dịch cho trẻ. Vì vậy phòng, chống sự lây lan và ngăn chặn biến chứng của bệnh có ý nghĩa rất lớn trong chống dịch và giảm tử vong cho bệnh nhân.
Trước nhận định bệnh TCM diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông; in các tờ rơi phát đến tận các hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi. Y tế xã, thôn, buôn, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh... phải cùng tham gia truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, cần đầu tư kinh phí sớm hơn, chủ động ngay từ đầu, đánh giá tình hình dịch, lên kế hoạch, giám sát xử lý sớm...
Đối với Phú Yên, ngay từ đầu năm ngành Y tế đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM như truyền thông, giám sát dịch tể, phát hiện ca bệnh, xử lý môi trường… Để khống chế bệnh TCM, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi người dân, nhất là những gia đình có con dưới 5 tuổi thực hiện tốt các biện pháp như: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín và dùng riêng chén, muỗng; luộc sôi hoặc ngâm Cloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Cloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác, tránh làm vỡ các nốt phỏng. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên