Việt Nam xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu với hơn 30.000 người chết do lao mỗi năm. Phú Yên không nằm ngoài nỗi lo trên khi chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi.
Bệnh nhân lao được điều trị ở cơ sở y tế - Ảnh: T.THỦY
THAY ĐỔI HÀNH VI
Anh T.V.T (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đến khám bệnh tại Trạm chuyên khoa Lao Phú Yên mới đây. Miệng mang khẩu trang, anh không ái ngại khi nói về bệnh của mình. Anh T chia sẻ: “Tôi thường đi tàu đánh bắt xa bờ cùng anh em, ăn ở dài ngày với họ trên khoang thuyền. Trong nhóm đi bạn có người phát hiện bị mắc lao hai tuần trước, nên tôi cũng đi khám. Bác sĩ khám bệnh khen tôi có ý thức tự giác và đã chỉ dẫn cách dùng thuốc. Hy vọng tôi sẽ khỏi bệnh”.
Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, gần 20 bệnh nhân đang nằm điều trị ở khoa Lao. Ông L.N.V, người nhà bệnh nhân L.Đ cho hay: Đ đã điều trị tại đây hơn nửa tháng trong tình trạng bệnh khái huyết rất nặng. Cũng vì mặc cảm, sợ mọi người biết được sẽ tránh xa nên Đ không chịu vào viện sớm. Ông V bức xúc và cho rằng: “Gia đình có người bệnh lao cần kiên quyết đưa họ đi điều trị sớm, chứ để như con tôi thì bệnh khó chữa. Nếu chuyển lên tuyến trên điều trị thì càng tốn kém. Ở bệnh viện, tôi thấy một số người đến điều trị sớm, đem lại kết quả cao”.
Bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng Trạm chuyên khoa Lao Phú Yên nói: “Trước kia, mỗi khi chúng tôi về cơ sở khám và tư vấn bệnh lao, ít ai dám đến gần và tìm hiểu. Nhiều lao động bị mắc lao đã giấu bệnh, không đi làm xét nghiệm bởi họ lo sợ bị kỳ thị. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông ở các tuyến, nhiều người đã nâng cao nhận thức. Người dân không ngại tiếp xúc và sẵn sàng dành thời gian để nghe chúng tôi trao đổi, tự giác đến cơ sở y tế điều trị”. Cứ sau mỗi đợt tuyên truyền đậm nét về bệnh lao trên các phương tiện truyền thông đại chúng, số lượng người đến khám bệnh lao tăng vọt ở các bệnh viện và Trạm chuyên khoa Lao tỉnh.
Xác định công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lao, Trạm chuyên khoa Lao tỉnh và các tổ phòng, chống lao ở các huyện thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như: truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp, tổ chức thi tìm hiểu về bệnh lao trong học sinh, sinh viên… Nhờ vậy, việc cho rằng bệnh lao là một bệnh di truyền, điều trị không khỏi, là bệnh của người nghèo, dẫn đến tình trạng xa lánh, kỳ thị đối với những người mắc bệnh lao ở Phú Yên… đã giảm dần. Mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện khoảng 850 bệnh nhân lao, riêng năm 2011 có đến 930 trường hợp.
THÁCH THỨC ĐIỀU TRỊ
Tỉ lệ lao phổi tăng nhanh ở nhóm người trẻ tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ở Phú Yên, người mắc bệnh lao tập trung chủ yếu ở TP Tuy Hòa và các làng ven biển. Nguyên nhân khác khiến bệnh lao ngày càng lan rộng là do thiếu hụt nhân lực y tế. Tỉ lệ bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chống lao tại tỉnh chỉ 1,2 bác sĩ/100.000 dân trong khi tỉ lệ chung là 12 bác sĩ/100.000 dân. Nhiều năm nay, số cán bộ chuyên trách chính thức ở tuyến tỉnh chỉ có 8 người. Các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện thiếu bác sĩ nên có đến 6 tổ trưởng tổ phòng, chống lao chỉ là y sĩ, lại kiêm nhiệm nhiều việc. Phú Yên xảy ra tình trạng người làm công tác phòng, chống lao đang “già đi” không có người thay thế, trong khi bệnh lao đang “trẻ lại”. Vấn đề cần quan tâm khác là hiện nay, một số lượng lớn người bệnh lao tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống chống lao, cho nên việc báo cáo, theo dõi, quản lý, điều trị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhóm người nghèo.
Bên cạnh việc nhiều người nhiễm lao thì một lượng không nhỏ bệnh nhân mang trong mình lao đa kháng thuốc. Ở Việt Nam, năm 1997 bệnh nhân lao đa kháng thuốc chiếm 2,3% trong số những người mắc lao, nhưng đến nay đã lên hơn 4%. Chi phí điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Chương trình Chống lao quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã đề ra mục tiêu: giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000, khống chế tỉ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010, duy trì tỉ lệ điều trị khỏi cao, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030... Thực hiện mục tiêu này, hàng năm Phú Yên luôn duy trì được tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lao đạt trên 90%, song vấn đề đặt ra là phát hiện và điều trị bệnh lao đa kháng thuốc. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp điều trị chưa đủ thời gian, thấy người khỏe lại nên bỏ thuốc, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc, rất khó điều trị khi bị tái phát. Bác sĩ Hoàng Khắc Linh nói: “Lao đa kháng thuốc ngày càng tăng và có xu hướng tăng cao, đòi hỏi cấp thiết tỉnh phải có bệnh viện Lao và bệnh phổi. Các tỉnh lân cận hoạt động chương trình phòng, chống lao với nhân lực và vật lực cao hơn nhiều so với Phú Yên. Cần phải có bệnh viện để thực hiện kháng sinh đồ, áp dụng các kỹ thuật cao giúp cho chẩn đoán và điều trị. Lâu nay, bệnh nhân lao nặng ở Phú Yên phải đi điều trị ở tuyến trên, mất thời gian và tốn kém”.
THU THỦY