Bác sĩ Hồ Văn Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân luôn hết lòng vì công việc. Trước tình hình thực tế của một bệnh viện miền núi thiếu nhân lực, cơ sở vật chất tạm bợ nhiều năm qua, bản thân anh luôn phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, cùng ban giám đốc xây dựng một tập thể xuất sắc nhiều năm liền.
Bác sĩ Hồ Văn Thanh chăm sóc tận tình bệnh nhân
ĐOÀN KẾT TỐT
6 năm liền (2006-2011) Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân được Bộ Y tế tặng bằng khen công nhận Bệnh viện xuất sắc toàn diện và đang đề nghị nhận thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Cá nhân bác sĩ Hồ Văn Thanh đạt nhiều danh hiệu cao quý của ngành, tỉnh và Trung ương trao tặng. Năm 2011, anh là cá nhân duy nhất của ngành Y tế Phú Yên đang được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao hạng III.
Quê ở thị trấn La Hai, bác sĩ Thanh chọn ngành y vì muốn góp công sức để cứu chữa bệnh cho bà con quê mình. Chẳng những vậy, sau khi tốt nghiệp đại học anh về công tác tại huyện nhà còn “kéo” theo người yêu cùng về. Lấy vợ cùng ngành, cả hai vợ chồng anh đồng tâm, hiệp lực để phát triển sự nghiệp. Vợ anh, bác sĩ Lê Thị Ngọc Lan, hiện là Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, nghiệp vụ bệnh viện, đang theo học chuyên khoa II.
Gần 20 năm công tác, 8 năm giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, người thầy thuốc tuổi 42 này luôn tận tình với công việc, hết lòng vì bệnh nhân. Bác sĩ Hồ Văn Thanh bộc bạch: “Người lãnh đạo gương mẫu nhiệt tình trong công tác là chưa đủ mà phải biết sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải tạo được sự đoàn kết nhất trí trong toàn cơ quan; động viên giúp đỡ và thúc đẩy các đồng nghiệp cùng nhau hợp tác gánh vác trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Khi tư tưởng của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị được thông suốt thì chắc chắn mọi việc dù có khó khăn mấy cũng sẽ hoàn thành”.
Bởi vậy, từ ban giám đốc đến các khoa phòng của bệnh viện đều đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể. Mỗi cá nhân, khoa, phòng của bệnh viện đều phấn đấu để cùng xây dựng bệnh viện đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”. Trong công tác điều trị, nhiều năm liền bệnh viện vượt các chỉ tiêu kế hoạch, số bệnh nhân đến khám và bệnh nhân phẫu thuật luôn tăng. Một trong những “mũi nhọn” trong công tác điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân là lĩnh vực ngoại sản. Bác sĩ Hồ Văn Thanh nói: “Có những trường hợp buộc giữ lại mổ tại huyện, những kỹ thuật vượt tuyến như vỡ lách, chấn thương, gãy xương đùi… Gần đây, những trường hợp bệnh nhân bị gãy cẳng tay, cẳng chân, mổ đẻ lần hai, tắt ruột, thoát vị bẹn, cắt tử cung… đều giữ lại để điều trị. Đây là sự tiến bộ của bệnh viện trong chuyên môn”.
Bác sĩ Cao Thị Hoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, cho biết: “Số lượng bác sĩ ít, trong khi bệnh viện lại phải cử 6 bác sĩ đi học chuyên khoa I, chuyên khoa II, nên các bác sĩ trong ban giám đốc vừa làm công tác quản lý vừa tham gia trực chuyên môn, mà bác sĩ Thanh là một điển hình”.
SÁNG TẠO TRONG CÔNG VIỆC
Ngoài việc phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, anh còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần áp dụng vào thực tiễn điều trị bệnh nhân. Những năm qua, bác sĩ Thanh thực hiện nhiều đề tài như: Nhận xét tình hình băng huyết sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân (2005); Nhận một trường hợp cắt lách cấp cứu do chấn thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân (2006); Ứng dụng mũi khâu BLUYT trong điều trị bảo tồn tử cung do băng huyết sau sinh (2007); Nhận xét hình ảnh tổn thương phổi trên phim X quang phổi tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đồng Xuân (2008); Nhận xét tình hình mổ lấy thai tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng xuân từ 2004-2009 (2010); Nhận xét tình hình bệnh nhân lao phổi huyện Đồng Xuân từ 2009-2010 (2011)…
Một số đề tài đã được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí trong điều trị và chăm sóc người bệnh. Giá trị hiệu quả của các đề tài mang lại là: Đánh giá được tỉ lệ nạo phá thai trên tổng số phụ nữ sinh trong năm, từ đó có giải pháp phù hợp tăng cường các biện pháp tránh thai nhằm giảm tỉ lệ nạo phá thai và tránh được những tai biến, biến chứng gây ra. Nhận xét cụ thể từng trường hợp băng huyết sau sinh, từ đó đưa ra các giải pháp phòng băng huyết xảy ra cho những năm tiếp theo. Mô tả được tác nhân gây vỡ lách, giải pháp cấp cứu trong trường hợp bệnh nặng, từ đó đề xuất tăng cường trang thiết bị cho phẩu thuật cũng như giải pháp đào tạo bác sĩ phẩu thuật cho tuyến huyện. Bảo tồn được tử cung trong trường hợp băng huyết nặng mà không phải cắt tử cung…
Chị Nguyễn Lê Đoan Vy, nhân viên khoa Dược, thổ lộ: “Ở cương vị nào, bác sĩ Thanh cũng là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Anh rất giỏi chuyên môn, nhiệt tình và tận tâm với nghề”. Còn chị Lê Thị Bình (xuân Sơn Nam), bộc bạch: “Bác sĩ Thanh đã phẫu thuật cho tôi hai lần sinh con. Tôi rất yên tâm khi được ông ấy chữa bệnh”.
THU THỦY