Ba năm qua, ngành Y tế Phú Yên được sự hỗ trợ kỹ thuật của GIZ (tổ chức Hợp tác quốc tế kỹ thuật Đức) thuộc dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh”. Đây là một sự trợ giúp rất cần thiết cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà. Các đơn vị trực tiếp được hưởng lợi là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa.
Tập huấn tiếp cận quản lý chất lượng bệnh viện theo hướng lựa chọn ưu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. - Ảnh: T.THỦY
Những năm trước đây, hầu hết các bệnh viện ở Phú Yên đều thiếu bác sĩ. Bác sĩ ít có cơ hội cập nhật kiến thức chuyên môn, quản lý bệnh viện, công nghệ thông tin. Do thiếu thông tin nên sự phối hợp thực hiện giữa các đối tác tham gia dự án từ tuyến tỉnh đến huyện còn yếu và dè dặt. Bên cạnh đó, nhân lực của y tế dự phòng như đội ngũ bác sĩ, cử nhân y học, xét nghiệm… còn thiếu về số lượng và chất lượng. Các trung tâm y tế dự phòng thiếu phương tiện và trang thiết bị, trong khi chưa có kế hoạch cụ thể để giải quyết hai vấn đề trên; đội ngũ bác sĩ trình độ không đồng đều, trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe còn thiếu nhiều.
NHIỀU LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO
Trước tình hình trên, GIZ muốn nâng cao năng lực cho ngành Y tế Phú Yên và đảm bảo tính bền vững. Trong đó, 3 hợp phần mà tổ chức này hỗ trợ là quản lý y tế, hỗ trợ phát triển y tế cộng đồng, phát triển dịch vụ y tế.
GIZ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch phát triển chất lượng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và bệnh viện các huyện thuộc dự án giai đoạn 2011-2015. Cán bộ y tế dự phòng tuyến huyện được cập nhật kiến thức về giáo dục sức khỏe, xét nghiệm, sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh thông thường… Chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, GIZ đã đào tạo nhân viên dược trong các bệnh viện về kê đơn thuốc hợp lý và hướng dẫn sử dụng thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập huấn kỹ năng về gây mê hồi sức; hồi sức sơ sinh và cấp cứu sản khoa; nâng cao năng lực chăm sóc người bệnh toàn diện, các khóa học quản lý bệnh viện. Ngoài ra, GIZ còn tổ chức đánh giá chất lượng chăm sóc bà mẹ trẻ em tại các trạm y tế xã và các vấn đề cần được cải thiện.
Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: “Kết quả qua đào tạo cho thấy, năng lực lập kế hoạch và quản lý ở các tuyến được nâng cao; Nhân viên y tế dự phòng được cập nhật kiến thức về giáo dục sức khỏe, xét nghiệm, HIV/AIDS; quản lý và kỹ năng lâm sàng về sức khỏe sinh sản; nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý các chương trình y tế dự phòng. Cùng với đó, tổ chức này giúp cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh như đào tạo thực hành cho cán bộ chẩn đoán hình ảnh, hướng dẫn chăm sóc cấp cứu…”.
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC
Tại các lớp tập huấn do GIZ hỗ trợ, hầu hết học viên đều thấy thích thú khi tham gia khóa học bằng phương pháp giảng dạy tích cực. Theo bác sĩ Phan Vũ Nhân, những thông tin GIZ triển khai giảng dạy được lấy từ những thông tin mới nhất để đưa vào khóa học. Với phương pháp dạy tích cực, học viên không thụ động. GIZ tổ chức các khóa đào tạo có hệ thống chủ yếu theo yêu cầu cần thiết của các đơn vị được hỗ trợ.
Bùi Thị Thúy Phương, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân thổ lộ: “Qua học chương trình cấp cứu sản - nhi, tôi biết được nhiều điều mới như những thủ thuật đặt nội khí quản, xử trí bệnh nhân bị băng huyết, xuất nhau, sinh non. Lớp học rất hiệu quả khi chúng tôi được trao đổi vấn đề từ thực tế đơn vị mình, được thực hành trực tiếp trên mô hình. Giảng viên rất tích cực và nhiệt tình chỉ dẫn”. Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, nhân viên khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An, cho rằng: “Cách đào tạo của dự án này rất hiệu quả. Ví dụ như lớp bồi dưỡng kiến thức cấp cứu sản, hồi sức sơ sinh, thì đào tạo trực tiếp cả nữ hộ sinh, điều dưỡng, bác sĩ. Từ đó, chúng tôi sẽ lập thành ê kíp phối hợp nhịp nhàng trong công tác cấp cứu tại đơn vị”.
Tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn xử lý rác thải, chống nhiễm khuẩn mới đây, bác sĩ Lê Sĩ Kim, Phó Phòng nghiệp vụ Y Sở Y tế Phú Yên, nói: “Chương trình rất hiệu quả vì nhân viên phụ trách lĩnh vực này ở các đơn vị trực thuộc đều được tham gia. Sau khi học tập và rút kinh nghiệm, họ sẽ phổ biến lại cho các thành viên của đơn vị mình để xây dựng quy chế tổng thể xử lý rác thải, chống nhiễm khuẩn”. Bác sĩ Bùi Văn Tú, Tổ tưởng Tổ chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa huyện Tây Hòa cho biết: “Bệnh viện đang mở rộng và trang bị lò đốt chất thải. Qua tập huấn, chúng tôi được trang bị cách phân loại rác nguy hại. Phương pháp dạy hiện đại, làm học viên không thụ động mà được trao đổi truyền đạt những ý tưởng cho từng vấn đề cụ thể”.
Chương trình tập huấn tiếp cận quản lý chất lượng bệnh viện theo hướng lựa chọn giải quyết các vấn đề ưu tiên vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 9. Qua đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đánh giá chất lượng dịch vụ y tế và quản lý chất lượng bệnh viện; xác định những vấn đề chất lượng và chọn ưu tiên để tìm giải pháp và cải thiện. Bác sĩ Bùi Trần Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Với cách giảng dạy sinh động, nội dung sát thực tế, chúng tôi tiếp cận được phương pháp quản lý bệnh viện, quản lý tài chính, nhân sự một cách chặt chẽ. Ngoài việc giúp các y bác sĩ bổ sung kiến thức mới về cấp cứu chấn thương, gây mê hồi sức, sản phụ khoa, nhi khoa, GIZ còn hỗ trợ về mặt kinh phí để các nhân viên y tế tham gia học cấp cứu nhi, chụp CT 64 lát cắt, chẩn đoán hình ảnh ở các thành phố lớn; các bác sĩ tham quan, học tập cách quản lý bệnh viện ở Đức. Nhờ sự hỗ trợ của GIZ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có cơ hội xây dựng được quy hoạch, đưa tổng thể bệnh viện, xây dựng tầm nhìn phát triển bệnh viện trên cơ sở quản lý bệnh viện theo hướng bảo đảm chất lượng”.
THU THỦY