Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nam Úc báo cáo trên tạp chí Sleep rằng, thanh thiếu niên đi ngủ sớm ít bị béo phì và dễ duy trì được vóc dáng vừa vặn hơn so với những trẻ cùng độ tuổi có thói quen đi ngủ muộn.
Các nhà nghiên cứu bổ sung thêm rằng những thanh thiếu niên đi ngủ muộn nhưng có thời gian ngủ mỗi ngày tương tự như những trẻ đi ngủ sớm có nguy cơ béo phì cao hơn.
Nghiên cứu gồm 2.000 trẻ 9 - 16 tuổi sống tại Úc. Kết quả cho thấy những trẻ đi ngủ muộn và thức dậy muộn dễ bị béo phì gấp 1,5 lần và dễ không hoạt động thể chất gấp 2,9 lần so với những trẻ có thói quen đi ngủ sớm.
Những trẻ ngủ muộn thường dành thời gian rảnh rỗi để chơi điện tử, xem tivi hoặc các hoạt động tại chỗ. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những trẻ thường đi ngủ sớm và thức giấc sớm có thời gian hoạt động thể chất nhiều hơn khoảng 27 phút/ngày so với những trẻ đi ngủ và thức giấc muộn. Trong khi những thanh thiếu niên có thói quen ngủ muộn cũng dành thời gian xem tivi, chơi điện tử nhiều hơn khoảng 48 phút so với những trẻ ngủ sớm.
Thiếu ngủ và lười hoạt động thể chất được xem là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nghiên cứu này có thể hỗ trợ giáo dục sức khỏe cho trẻ độ tuổi teen và mang lại cho chúng những kiến thức để cải thiện sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đi ngủ sớm và thức dậy sớm giúp cơ thể khỏe mạnh và minh mẫn vì vậy hãy thực hiện thói quen ngủ sớm từ khi còn trẻ.
Thời gian ngủ bao nhiêu là phù hợp?
Thời gian ngủ của mỗi người phụ thuộc và nhiều yếu tố khác nhau như chất lượng giấc ngủ, sức khỏe, độ tuổi, mức độ tập luyện….Trẻ sơ sinh cần ngủ 18 tiếng/ngày trong khi người lớn thông thường chỉ cần ngủ 7 đến 8 tiếng/ngày.
Dưới đây là thời gian ngủ ước tính theo độ tuổi:
- Trẻ sơ sinh: 18 tiếng
- Trẻ dưới 1 tuổi: 14 - 18 tiếng
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 12 - 15 tiếng
- Trẻ nhỏ, 5 - 12 tuổi: 9 - 11 tiếng
- Thanh thiếu niên: 9 - 10 tiếng
- Người lớn: 7 - 8 tiếng
- Phụ nữ mang thai: ít nhất là 8 tiếng
Theo DTO