Báo cáo tổng hợp của các cơ sở y tế trong cả nước sáng 5/9 cho biết, hiện bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc gia tăng. Từ ngày 2-4/9, cả nước ghi nhận 815 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 28 địa phương. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 42.673 trường hợp mắc tay chân miệng tại 59 địa phương, trong đó có 98 trường hợp tử vong tại 20 tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp nhằm sớm khống chế và ngăn chặn bệnh lây lan. Trước tình hình này, ngành Y tế đang tích cực giám sát các ca bệnh, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên bậc mầm non, tiểu học và gia đình có trẻ em biết cách phòng bệnh; nắm vững các biểu hiện của bệnh để kịp thời đưa trẻ mắc bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất chữa trị.
Theo ghi nhận của ngành Y tế, có đến 52% số trẻ mắc bệnh có tiếp xúc với bệnh nhân, 41% truyền từ mẹ sang con. Trong tổng số bệnh thì có đến 80% là mắc ở cộng đồng. Virus gây bệnh có thể sống vài ngày, thậm chí hàng tuần ở sàn nhà, đồ chơi... Do đó, công tác phòng chống bệnh quan trọng nhất vẫn diệt khuẩn và tuyên truyền đến tận nhà về việc sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng, đây vẫn là cách quan trọng nhất để khống chế dịch.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin để phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức và thực hiện việc vệ sinh cá nhân cho trẻ qua các cách rửa tay sạch thường xuyên, không cho trẻ ăn chung thìa, bát. Đối với trẻ em bị ốm, cần được cách ly tại nhà, không cho trẻ đến lớp và tiếp xúc với nhiều trẻ khác. Tất cả phân, tã lót của trẻ phải được xử lý theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ phải thường xuyên lau chùi nền nhà.
Ông Nguyễn Văn Bình cho hay, dịch tay chân miệng thuộc bệnh nhóm B theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Theo quy định của luật, các bệnh dịch nhóm B do UBND các tỉnh, thành phố công bố theo đề nghị của giám đốc sở y tế. Bộ Y tế theo quy định của luật chỉ công bố các bệnh thuộc nhóm A. Trong trường hợp có nhiều tỉnh công bố ở nhóm B thì tùy theo tính chất quy mô, Bộ Y tế có thể công bố các bệnh nhóm B, tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế của các tỉnh đã công bố.
Theo chinhphu.vn, TTXVN