Thứ Sáu, 04/10/2024 06:18 SA
Bệnh tay chân miệng
Thứ Hai, 22/08/2011 14:00 CH

Hỏi: Thời gian gần đây tôi nghe nói nhiều về bệnh tay chân miệng, làm sao biết trẻ mắc bệnh đó và cách phòng ngừa như thế nào. Đó là bệnh gì mà sao không ngăn chặn được?.

NguyễnThị Hòa (phường 6, TP Tuy Hòa)

Trả lời: Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính là nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Hai loại vi rút gây bệnh thường gặp là Cox­sackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là ban dạng phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Môi trường dễ làm lây lan bệnh là trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung.

Bệnh khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Tiếp đến là giai đoạn toàn phát, có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng: trong miệng trẻ xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng

tiết nước bọt. Ban phỏng nước cũng nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Ngoài ra, trẻ có thể sốt nhẹ, nôn... Những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chỉ điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát trẻ bệnh để phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn đồ ăn loãng, uống thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng, tránh kích thích.

Khi có trẻ bệnh, bố mẹ cần lưu ý tái khám trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu sốt cao (390C trở lên); thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh TCM, do đó phòng bệnh chủ yếu là thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Khi trẻ bị bệnh, cách ly trẻ tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học.

BS ĐoànVăn Hải

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek