Thứ Bảy, 05/10/2024 18:11 CH
Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em:
Kết hợp nhiều hình thức truyền thông
Thứ Hai, 30/05/2011 18:00 CH

Ngoài phương pháp truyền thông cộng đồng về chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em như lâu nay, một số địa phương trong tỉnh đã áp dụng kịch truyền thông, thành lập nhóm các bà mẹ hỗ trợ chăm sóc trẻ SDD. Việc làm này bước đầu tác động tích cực đến nhận thức của các bậc phụ huynh.

 

nau-an110530.jpg

Thực hành nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại Trạm Y tế phường 6 (TP Tuy Hòa). - Ảnh: T.THỦY

 

Từ năm 2005 đến nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các địa phương trong tỉnh giảm từ 1,2-3,4%/năm. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, đã đưa mục tiêu giảm tỉ lệ SDD ở trẻ em vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mạng lưới phòng chống SDD ngày càng được hoàn thiện và củng cố; sự phát triển đồng bộ các chương trình y tế quốc gia, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế… Tuy nhiên, tỉ lệ SDD trẻ em ở miền núi Phú Yên vẫn còn cao, mà nguyên nhân là do người dân còn thiếu kiến thức và chậm chuyển biến từ có kiến thức sang chấp nhận thực hiện.

 

Chương trình phòng chống SDD trẻ em trong thời gian qua lấy gia đình là đối tượng lựa chọn. Tích cực tạo nguồn thực phẩm đa dạng, tăng thu nhập cho gia đình để đảm bảo mọi người được tiếp cận đầy đủ thực phẩm đã được các xã, phường, thị trấn triển khai thông qua mô hình trình diễn dinh dưỡng. Đây là hoạt động tuyên truyền trực quan, giúp các bà mẹ nhận thức được sự quan trọng trong việc tạo nguồn thực phẩm đảm bảo cho trẻ phát triển. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em, Phòng chống SDD (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh), cho rằng: “Người mẹ cần phải chịu khó chăm sóc con. Trong chế biến thức ăn, ngoài đủ dinh dưỡng, cần phải giữ vệ sinh tuyệt đối. Thực tế có nhiều bà mẹ phải mua sữa bò mỗi tháng 1,5 triệu đồng, nhưng con vẫn SDD. Qua đó cho thấy, việc thực hiện nghiêm túc chế độ ăn cho trẻ là rất quan trọng. Nhờ nhân rộng mô hình trình diễn dinh dưỡng, các bà mẹ có thêm kiến thức nuôi con, đặc biệt là sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có trong vườn nhà. Từ đó, đóng góp không nhỏ trong việc giảm tỉ lệ SDD trẻ em hàng năm. Đây là một hình thức tuyên truyền sinh động được xác định là mô hình phòng chống SDD trẻ em mang lại hiệu quả cao. Sắp tới, mô hình này sẽ được tiếp tục triển khai để các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ có thêm kiến thức chủ động nuôi con khỏe mạnh”.

 

Hai năm qua, xã Xuân Lãnh và Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam triển khai tiểu dự án Phòng chống SDD trẻ em. Thời điểm đó, đây là những xã khó khăn, có tỉ lệ trẻ em SDD cao hơn mức bình quân của tỉnh; các bà mẹ chưa tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình, chưa quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn của gia đình. Tại hai địa phương này được triển khai mô hình kịch truyền thông thay đổi hành vi phòng chống SDD trẻ em. Kịch được thực hiện theo hình thức nhân vật đứng yên và chuyển động không lời thoại; mỗi phân cảnh trong vở kịch là một tình huống và tương tác trực tiếp đến cộng đồng. Người dân trực tiếp đưa ra nội dung các thông điệp trong từng phân cảnh và liên hệ với thực tế trong gia đình. Cũng chính họ là người đưa ra hướng giải quyết cho nội dung kịch, mà theo họ là tốt cho việc cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em khi áp dụng tại địa phương. Mí Lan, ở buôn Hà Rai (xã Xuân Lãnh), nói: “Tham dự buổi diễn kịch tôi thấy rất vui. Qua đó, tôi cũng biết được cách nấu ăn cho con để khỏi SDD”.

 

Không chỉ Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa cũng là địa phương được thực hiện kịch truyền thông phòng chống SDD ở trẻ em. Ngoài hình thức kịch truyền thông, địa phương này còn hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ; thành lập từng nhóm bà mẹ làm nhiệm vụ phát hiện trẻ sụt cân, phát hiện SDD và báo lên cộng tác viên dinh dưỡng để kịp thời khắc phục.

 

“Bữa ăn không những phải cung cấp đủ lượng calo mà còn phải cân đối về mặt chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Muốn vậy, bữa ăn không phải chỉ dựa vào các nguồn thực vật, mà còn phải có thịt, trứng, sữa, cá… là các thức ăn từ động vật giàu protein, các vi chất dễ hấp thụ như sắt, kẽm, canxi. Nếu để thiếu vi chất dinh dưỡng kéo dài, cơ thể sẽ mắc những bệnh nghiêm trọng để lại dị tật (còi xương, bướu cổ), thậm chí phải gánh chịu hậu quả suốt cuộc đời”.

(Bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên)

Tỉnh Phú Yên phấn đấu năm 2015 tỉ lệ SDD trẻ em giảm còn 15% và năm 2020 giảm dưới 10%. Trong đó, giảm tỉ lệ SDD thể nhẹ cân mỗi năm 2%; thể thấp còi xuống dưới 25%; khống chế thừa cân béo phì dưới mức 5%; không còn địa phương nào có tỉ lệ SDD trẻ em ở mức rất cao. Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp chiến lược được đề cập đến là: can thiệp cải thiện dinh dưỡng bằng các biện pháp như tăng cường giáo dục truyền thông, phục hồi dinh dưỡng, phát triển hệ sinh thái V.A.C để tạo nguồn thực phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đồng thời bảo đảm nguồn nhân lực về chất và lượng để triển khai chương trình phòng chống SDD có hiệu quả cao; đưa chỉ tiêu giảm trẻ em SDD vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, cho biết: Thế giới đã đưa chỉ số SDD trẻ em vào xem xét, đánh giá sự giàu, nghèo của một quốc gia. Như vậy, cùng với sự tăng trưởng GDP bình quân đầu người, tăng tuổi thọ trung bình, chúng ta phải coi chỉ số SDD trẻ em là pháp lệnh, là nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị để từ đó có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện phòng chống SDD trẻ em. Vì vậy, phải coi phòng chống SDD trẻ em là chiến lược phát triển con người, cải tạo nòi giống. Phòng chống SDD trẻ em không chỉ là công việc của cơ quan chuyên môn, mà là công việc của mọi người, mọi gia đình và của cả cộng đồng.

  

DƯƠNG THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek