Hỏi: Cháu đang học lớp 11, bạn cháu đứa nào cũng mập nên chỉ ăn sáng và trưa, còn tối thì nhịn. Có bạn lại nhịn ăn sáng để bớt mập, có nên không?
Phạm Nguyễn Thanh Thanh (phường 8, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Trường hợp các cháu còn đi học, ban đêm phải làm bài, nếu để bụng quá đói là không tốt. Trái lại nhịn ăn sáng chẳng những không làm bớt mập mà còn khiến có thể ăn hăng hơn vào các bữa ăn khác. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, với số calo như nhau, một bữa ăn phong phú buổi sáng giúp giảm thể trọng hơn dùng ban tối. Ngoài ra, việc ăn sáng tốt giúp đạt kết quả học tập cao hơn. Đã có một số nghiên cứu khoa học cho thấy, những học sinh được ăn sáng đầy đủ sẽ có kết quả học tập cao hơn (nhất là về môn Toán).
Đối với người trưởng thành, khỏe mạnh, cần ăn 3 bữa/ngày. Người lao động nặng nhọc, người ốm, trẻ em cần ăn 5-6 bữa/ngày.
Qua nghiên cứu tỉ lệ hấp thu tiêu hóa cho thấy, với cùng một lượng lương thực, thực phẩm như nhau, nhưng nếu chia thành 3 bữa thì tỉ lệ hấp thu chất đạm tăng lên 3% so với 2 bữa ăn. Ăn ba bữa chính là một cách ăn khoa học và tiết kiệm.
Nếu ăn nhiều hơn 3 bữa/ngày thì năng lượng của bữa tối nên ít hơn hoặc nhiều nhất là bằng bữa sáng. Các bữa không nên cách nhau dưới 4 giờ. Bữa trưa ăn nhiều nhất. Phân bố năng lượng như sau: bữa sáng: 30-35%, bữa trưa: 35-40%, bữa tối: 25-30%
Các cháu ở tuổi 16-17, nhu cầu năng lượng 1 ngày khoảng 2.300Kcal. Nếu lấy gạo làm thực phẩm chính thì cần khoảng 4 lạng/ngày + 40-50 gram dầu mỡ, và kèm các món ăn khác, sẽ đủ cho nhu cầu trên. Ăn nhiều hơn số đó sẽ gây thừa cân. Phải kiểm tra thể trọng hằng tuần để tránh một chế độ ăn thiếu calo và chất dinh dưỡng, có hại cho sức khỏe. Nếu thấy tăng cân, cần hạn chế các món ăn chiên, rán (nhiều dầu mỡ), các loại bánh ngọt (nhiều bột đường). Nếu miệng vẫn cảm thấy thèm ăn không cưỡng được, nên ăn nhiều các loại rau quả (mau đầy bụng và ít năng lượng). Việc bỏ bữa chính (bữa sáng hoặc tối) thường làm tăng ăn vặt khó kiểm soát, lại không đảm bảo dinh dưỡng.
BS ĐOÀN VĂN HẢI