Thứ Tư, 02/10/2024 17:33 CH
Đem nguồn sáng cho đời
Thứ Hai, 28/03/2011 18:32 CH

Đầu năm 2011, UBND tỉnh có quyết định thành lập Bệnh viện Mắt Phú Yên. Việc thành lập bệnh viện mắt ở Phú Yên sẽ tập trung đầu tư chuyên sâu về chuyên môn, trang thiết bị, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc mắt cho nhân dân.

 

MO-MAt110328.jpg

Phẫu thuật mắt cho trẻ em tại Trung tâm Mắt Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

VƯỢT KHÓ ĐI LÊN

 

22 năm qua, Bệnh viện Mắt Phú Yên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 (2006); nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế, bằng khen của Bệnh viện Mắt Trung ương, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, Cờ thi đua xuất sắc của LĐLĐ tỉnh, bằng khen Công đoàn Y tế Việt Nam, bằng khen Tổng LĐLĐ Việt Nam, bằng khen Bộ Y tế, bằng khen UBND tỉnh, bằng khen LĐLĐ tỉnh.

Hồi mới thành lập (1/7/1989), Trạm Chuyên khoa Mắt Phú Yên chỉ với 3 cán bộ, 1 bác sĩ và 2 y sĩ chuyên khoa. Cơ sở làm việc của đơn vị chỉ có 2 phòng trong một căn hộ xây dựng cho gia đình khoảng 32m2. Trang thiết bị khám và phẫu thuật thiếu thốn.

 

Năm 1992-1993, phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể là phương pháp mổ trong bao, trung bình mỗi năm mổ khoảng 100 ca do phẫu thuật viên Nguyễn Thị Minh Hưởng, trưởng trạm đảm trách. Bác sĩ Hưởng (nay là Giám đốc Sở Y tế Phú Yên) nhớ lại: “Lúc ấy, khi mở chiến dịch mổ với số lượng lớn nên phải nhờ phẫu thuật viên ở TP Hồ Chí Minh hoặc Khánh Hòa. Sau mổ, bệnh nhân phải đeo kính dày 9-10 đi-ốp nhưng chỉ nhìn rõ từ 1-2/10. Dụng cụ phẫu thuật phải mài đi mài lại nhiều lần, chỉ khâu khan hiếm, có lúc phải dùng chỉ đuôi chuột tự chế, khí CO2 dùng lạnh đông để lấy thủy tinh thể phải mua tại Nha Trang. Phòng mổ tạm bợ dùng vải làm ri-đô che xung quanh cho kín. Nguồn sáng cho phẫu thuật là đèn pin đội đầu hoặc dùng dây căng ngang để treo đèn pin. Công tác tiệt trùng dụng cụ phẫu thuật phải hấp bằng củi, than và luôn có người túc trực canh chừng để không bị cháy đồ hấp”.

 

Năm 1994, Trạm Chuyên khoa Mắt Phú Yên áp dụng kỹ thuật hiện đại. Trạm nhận 1 máy sinh hiển vi phẫu thuật do tổ chức FHF tài trợ. Bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ nhớ lại: “Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hưởng, Trần Minh Phương và tôi được tập huấn mổ phương pháp ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo tại Huế do FHF tổ chức. Ngày đầu tiên tự mổ độc lập là phiên mổ tại Bệnh viện Phú Lâm, loay hoay cả 1 buổi mà chỉ mổ được 3 ca, nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Bù đắp sự thất bại ấy là phiên mổ ở Đồng Xuân 2 ngày sau. Phiên mổ ấy đã mổ được 59 ca đục thủy tinh thể, trong đó 80% là được đặt thủy tinh thể nhân tạo”.

 

Đến năm 2002, được bổ sung trang thiết bị, nhân lực và được sự giúp đỡ của Viện Mắt Trung ương, Trạm Chuyên khoa Mắt đã tiến hành điều tra tình hình mù lòa và các bệnh tật về mắt trong toàn tỉnh. Đó là cơ sở cho chiến lược phòng chống mù lòa đến nay. Chương trình phòng chống mù lòa từ 1989-2002 đã phẫu thuật được 9.886 ca, trong đó đục thủy tinh thể 6.672 ca, mộng thịt 2.464 ca, quặm 750 ca.

 

Tháng 3/2003, Trung tâm Mắt Phú Yên được thành lập và là trung tâm có chỉ tiêu giường bệnh. Năm 2005, trung tâm xây dựng lại phòng mổ và khu lưu bệnh nhân với 15 giường. Công tác thu dung điều trị từ 2005-2010 đạt công suất giường bệnh hàng năm trên 90%. Để đáp ứng nhu cầu chuyên môn, trung tâm cử cán bộ đi học các lớp chuyên sâu về ngoại nhãn, siêu âm, gây mê hồi sức, Laser, phương pháp mổ Phaco… Hiện các bác sĩ đã triển khai mổ thành thạo phương pháp Phaco, các bệnh lý ngoại nhãn như: lé, sụp mi, hở mi… Bác sĩ Trương Hoàng Nam, cho biết: “Thành công nhất là chúng tôi đã phẫu thuật đem lại ánh sáng và thẩm mỹ cho trẻ em”.

 

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC LỚN

 

Trong 8 năm qua, Bệnh viện Mắt Phú Yên đã vận động từ nhiều nguồn, kể cả máy móc thiết bị, thuốc, vật tư… tạo điều kiện cho hơn 10.000 bệnh nhân thoát cảnh mù lòa. Trong đó có 10.882 bệnh nhân được phẫu thuật miễn phí. Hội Bệnh nhân nghèo Phú Yên, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ, bạn đọc Báo Thanh Niên, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential, tổ chức y tế từ thiện Việt Nam Vision Project của Úc… đã tài trợ cho Phú Yên trong chăm sóc và điều trị bệnh mắt trên 5 tỉ đồng. Đó là một cố gắng lớn trong huy động vật lực, đapáp ứng cho việc cứu chữa và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo.

 Đặc biệt, tổ chức từ thiện Fred Hollows (FHF - Úc) tài trợ hơn 1 triệu USD cho chương trình “Chăm sóc mắt toàn diện” từ 2002 đến nay và kinh phí xây dựng Bệnh viện Mắt Phú Yên. Được FHF hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình khúc xạ trong học đường, 6 năm qua (2005-2010) Trung tâm Mắt tiến hành khám sàng lọc thị lực cho học sinh từ cấp I đến cấp III trong toàn tỉnh, và cấp 4.000 đôi kính miễn phí. Đặt 48 panô, 400 poster, 15.000 tờ rơi tuyên truyền về tật khúc xạ cho các trường trong toàn tỉnh.

 

Về trang thiết bị, đã được đầu tư thêm 4 kính hiển vi phẫu thuật, 2 máy phẫu thuật Phaco, 3 sinh hiển vi khám bệnh, máy đo khúc xạ kế tự động, máy siêu âm, máy gây mê hồi sức, máy LAER YAG, máy đo thị trường kế, máy đo huyết học đa chức năng và một số dụng cụ y tế khác đủ cho các hoạt động chuyên sâu tại trung tâm. Từ đó, trung tâm Mắt triển khai phẫu thuật đục thủy tinh thể được 13.984 ca.

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek