Thứ Bảy, 05/10/2024 06:18 SA
Nâng cao chất lượng hồi sức sơ sinh:
Cần đầu tư vật lực
Thứ Hai, 25/10/2010 18:00 CH

Trong quá trình sinh nở do ối vỡ sớm, thiếu ô xy, vitamin K... hoặc điều kiện sinh hoạt, lao động và dinh dưỡng không đảm bảo khi mang thai, thai chưa đủ tháng... dẫn đến trẻ mới chào đời dễ bị nhiễm trùng sơ sinh, nhẹ cân, xuất huyết não, ngạt, vàng da. Rơi vào những trường hợp như vậy, trẻ cần được cấp cứu kịp thời. Phú Yên đang có nhiều nỗ lực để làm tốt hồi sức sơ sinh (HSSS).

 

BAC-AN101025.jpg

Hồi sức sơ sinh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

TÍCH CỰC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC

 

Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên vừa phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mở lớp huấn luyện giảng viên tuyến tỉnh về cấp cứu HSSS bằng phương pháp giảng dạy tích cực, do tổ chức Prject Vietnam Foundation (NGO) Hoa Kỳ tài trợ. Sắp tới, đoàn bác sĩ của Viện Hàn lâm Nhi Hoa Kỳ sẽ trực tiếp đến Phú Yên sát hạch, chọn ra 12/20 học viên để cùng học trực tiếp và thực hành giảng với đoàn bác sĩ này. Chương trình bồi dưỡng vừa qua đã nâng cao kiến thức và thực hành HSSS cho lực lượng thầy thuốc nhi, sản của Phú Yên, góp phần giảm tử vong sơ sinh, nâng cao cơ hội sống còn sơ sinh khi tiếp cận y tế.

 

Bác sĩ Phạm Văn Minh, khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, học viên lớp học này cho biết: “Lớp tập huấn với những phương pháp trắc nghiệm, thực hành gắn với lý thuyết nên rất tốt cho việc tiếp cận của học viên. Bản thân bác sĩ khi về đơn vị làm việc đã được cải thiện và tiếp tục tạo sự lan tỏa trong khoa. Nội dung hay nhất chúng tôi học được là “Thông khí là quan trọng và hiệu quả nhất trong HSSS”.  Tiếp đến, chính các bác sĩ sẽ là giảng viên đào tạo lại cho tuyến huyện và xã, giải quyết hạn chế chết sơ sinh”. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, chương trình đào tạo nhân lực này ở Phú Yên cũng là một bước chuẩn bị để tiến tới phục vụ chuyên sâu khi tỉnh thành lập Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi. “Lâu nay, Phú Yên vẫn còn quan điểm là kỹ thuật về HSSS chỉ thuộc về bác sĩ. Song, lớp học đã truyền kỹ năng cho điều dưỡng, nữ hộ sinh để trực tiếp theo dõi ngay trong phòng sinh. Phương pháp mới là theo dõi ngay trong 30 giây đầu tiên chứ không phải 5 phút như lâu nay đã làm” – bác sĩ Tuấn nói.

 

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã đưa nhiều bác sĩ, điều dưỡng đào tạo tại chỗ và đào tạo ở các bệnh viện lớn như  Huế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về cấp cứu HSSS. Có nhiều phương pháp mới, tích cực được các bác sĩ áp dụng tại đơn vị, đem lại hiệu quả cao. Mới đây, khoa Nhi đã áp dụng thành công liệu pháp Surfactant thay thế trong điều trị suy hô hấp do bệnh màng trong ở trẻ sinh non tháng. 

 

CẦN ĐẦU TƯ VẬT LỰC

 

Năm 1998, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thành lập một đơn nguyên HSSS tại khoa Nhi. Trước khi thành lập đơn nguyên này, tỉ lệ tử vong sơ sinh phải cấp cứu chiếm từ 35-50%, nay chỉ còn dưới 15%. Với sự cố gắng của đội ngũ phục vụ HSSS, đã có hàng nghìn trường hợp được cứu sống. Chẳng hạn, trường hợp các cháu Võ Văn Bé 1, Võ Văn Bé 2, Võ Thị Bé 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) chỉ cân nặng từ 0,9-1,1kg khi mới chào đời. Sau khi điều trị hơn một tháng tại phòng HSSS, các cháu được cứu sống và nay đã được 10 tuổi. Con trai chị Trần Thị Hồng (phường 4, TP Tuy Hòa) sinh non, lại mắc chứng bệnh vàng da, nhờ được cấp cứu tại phòng HSSS, cháu đã hồi phục và sống khỏe mạnh… Hiện nay, thiết bị của phòng HSSS có 10 lồng ấp và 3 máy thở CPAP cho trẻ sơ sinh do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tặng, song vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trang thiết bị phục vụ HSSS ở bệnh viện này chưa đồng bộ, không tập trung.

 

Tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, việc HSSS cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Các nhà chuyên môn đều biết rằng khi trẻ cần HSSS mà phải chuyển viện thì rất dễ tử vong vì vừa mất thời gian, vừa không phù hợp với điều kiện nhiệt độ của các xe cứu thương thông dụng. Các bệnh viện tuyến huyện đã đưa bác sĩ đi học về HSSS, nhưng chưa có trang thiết bị để làm. Chưa có thiết bị HSSS nên lâu nay nhân viên các trạm y tế xã chỉ làm theo kinh nghiệm là chính. Nữ hộ sinh Phạm Thị Nghĩa, Trạm y tế xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), kể: “Mỗi lần có ca đẻ khó, không có thiết bị hỗ trợ, chúng tôi phải chuyển lên huyện rồi đưa tiếp về tỉnh cho yên tâm. Còn trường hợp đưa được bé đi, thì thiếu bình oxy… cũng rất nguy hiểm”. Không chỉ ở miền núi, mà ngay tại các xã đồng bằng, tình hình cũng khó khăn không kém.

 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói: “Rõ ràng, đầu tư trang thiết bị để phục vụ HSSS cho tuyến huyện và xã không quá lớn, vì vậy tỉnh cần chú trọng. Về lâu dài, cần định hẳn một nguồn ngân sách cho tuyến xã đầu tư trang thiết bị y tế. Những thiết bị thiết yếu nhất cho HSSS ở các trạm y tế thì dứt khoát phải có. Như vậy, chúng tôi mới có thể chuyển giao các công nghệ mới nhất về lĩnh vực này được”. Thực hiện tốt HSSS sẽ giảm tỉ lệ tử vong, thực hiện được mục tiêu sống còn của trẻ em từ nay đến năm 2015, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ tích cực của những trang thiết bị hiện đại, giúp xử lý thành công những tình huống nguy cấp.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek