Thứ Tư, 09/10/2024 00:23 SA
Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế:
Giãn tĩnh mạch
Thứ Hai, 12/04/2010 13:00 CH

Hỏi: Tôi bị nổi gân xanh ở chân, thường gây đau, đi lại khó khăn. Xin bác sĩ cho biết bệnh này do đâu mà có, có di truyền không (vì trước đây mẹ tôi cũng bị bệnh này) và điều trị như thế nào?

 

Nguyễn Thị Bích Loan, phường 9, TP Tuy Hòa

 

Trả lời: Có thể chị đã bị bệnh giãn tĩnh mạch chân, là tình trạng tĩnh mạch ở chân bị giãn và dài ra, thường gặp ở vùng khoeo, cẳng chân, cổ chân, đùi. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều ở lứa tuổi trên 50, nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố: di truyền, nòi giống, lối sống, công việc và tuổi tác. Thường phổ biến ở những người làm các công việc phải ngồi nhiều, đứng lâu (nội trợ, thợ dệt, giặt quần áo, tài xế,…). Những người thừa cân, ăn nhiều chất bột, ít chất xơ, hay bị táo bón cũng dễ bị giãn tĩnh mạch.

 

Ở phụ nữ, ngoài các nguyên nhân nêu trên còn do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ trong thời ký thai nghén, dùng thuốc ngừa thai (nội tiết tố nữ) cũng là yếu tố tương tự.

 

Triệu chứng ban đầu là có cảm giác nặng chân, mỏi chân sau mỗi lần đứng lâu. Khi rõ hơn da cẳng chân, vùng đùi, cổ chân... thấy có nhiều tĩnh mạch nổi lên, ngoằn ngoèo, có khi thấy rõ các búi tĩnh mạch nổi cộm lên, da màu xanh.  Các động tác đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn. Đôi khi cảm thấy rát ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn, đau âm ỉ. Ban đêm thường bị chuột rút (vọp bẻ), triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất đi khi đi ngủ kê 2 chân cao.

 

Giãn tĩnh mạch chân lâu ngày và không được điều trị có thể để lại những hậu quả: vùng da, tĩnh mạch giãn bị loét,  nhiễm trùng. Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu dễ gây nên hiện tượng cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, cục máu này có thể trôi theo dòng máu chảy về tim, trên đường đi có thể gây tắc nghẽn.

 

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều. Nên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn, ăn thức ăn có nhiều sinh tố nhất là các loại rau quả để có đủ sinh tố làm tăng tính bền vững của thành mạch, có nhiều chất xơ để ngừa táo bón. Thường xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo hướng vuốt dọc từ bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy sẽ làm cho máu lưu thông tốt hơn.

 

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh, tùy mức độ nặng nhẹ gồm: uống các thuốc làm bền thành mạch như Daflon, Rutin C, Veitnamitol..., nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu. Tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu. Giải phẫu lấy đi đoạn tĩnh mạch bị giãn. Dùng tia laser để đốt tĩnh mạch bị giãn, thường áp dụng cho những tĩnh mạch ở sát dưới da. Dùng sóng điện từ có năng lượng cao làm xơ teo tĩnh mạch. Khi đã bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tuân theo lời dặn và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

 

Bác sĩ  ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek