Thứ Tư, 09/10/2024 19:29 CH
Sơn Hòa: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm
Thứ Năm, 06/07/2006 08:14 SA

Năm 2005, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) ở huyện Sơn Hòa là 35,8%, cao nhất tỉnh. Đến nay, tỷ lệ ấy giảm còn 32,5% và được đánh giá là một nỗ lực lớn của các ngành, các cấp ở địa phương. Để không tái SDDTE, Sơn Hoà đang đề ra những kế hoạch thực hiện mang tính bền vững.

 

MỌI NGƯỜI CÙNG QUAN TÂM

 

060706-dinhduong.jpg

Cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ - Ảnh: T.THỦY

Chính tình trạng SDDTE gia tăng cao, Huyện ủy Sơn Hòa đã đưa chương trình SDDTE vào Nghị quyết của Đảng bộ. Riêng khối Đảng, bí thư và phó bí thư từng xã và các ban ngành ký giao ước với Huyện ủy để thực hiện. UBND huyện cũng mở hội nghị triển khai đến chủ tịch, phó chủ tịch và thành lập ban điều hành phòng chống SDDTE huyện. Ở các xã cũng thành lập ban chỉ đạo và các đoàn thể cũng tham gia thực hiện. Ngoài kinh phí của chương trình mục tiêu PCSDDTE, UBND huyện còn xây dựng quỹ hỗ trợ trẻ em và hỗ trợ 20 triệu đồng cho chương trình, tác động đến các cháu SDD về thực phẩm (mỗi suất 50.000 đồng). TTYTDP huyện đã làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp lãnh đạo và phụ trách chuyên môn. Cán bộ phụ trách được phân ra từng cụm và trực tiếp giám sát chiến dịch. Ngoài tổ chức buổi trình diễn bữa ăn dinh dưỡng và cung cấp kiến thức nuôi trẻ cho các bà mẹ và phụ nữ có thai theo chiến dịch, cán bộ y tế đã đến từng nhà tư vấn cách chăm sóc trẻ cho những bà mẹ có con SDD. Nhờ đó, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa nắm vững kiến thức nuôi con. Nếu trước đây, chỉ có khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản tham gia chương trình PCSDDTE thì nay, tất cả các khoa đều cùng hỗ trợ. Trong quá trình triển khai, một số UBND xã còn hỗ trợ kinh phí cho chương trình như UBND thị trấn Củng Sơn hỗ trợ 2,8 triệu đồng, xã Sơn Hà hỗ trợ 300.000 đồng… Sự quan tâm và phối hợp của các đơn vị, các cấp đã giúp công tác phòng chống SDDTE có được sự thành công.

 

Chị Đào Thị Hoa ở thị trấn Củng Sơn bộc bạch: “Con gái tôi lúc 15 tháng tuổi chỉ có 7,5kg. Tôi bận buôn bán nên cũng không có thời gian chăm sóc cháu nhiều. Cán bộ y tế bảo con tôi bị suy dinh dưỡng và cần chế độ ăn uống đặc biệt hơn, lúc đó tôi mới giật mình và nghĩ chuyện nuôi con không thể đơn giản như lâu nay được. Theo hướng dẫn của họ, tôi nấu ăn cho con đầy đủ các nhóm thức ăn và cách cho ăn cũng có nhiều thay đổi. Cháu bé nay 23 tháng, khoẻ khoắn, cân nặng 11 kg”.

 

VẪN CÒN TRỞ NGẠI

 

Bác sĩ Trần Như Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sơn Hòa trăn trở: Số trẻ SDD còn lại hầu hết nằm trong các gia đình nghèo khiến việc hạ tỷ lệ SDDTE không đơn giản. Kinh phí của chương trình phòng chống SDD hiện còn thấp (40 triệu đồng/năm) nên việc tác động thực phẩm trực tiếp đến các cháu sẽ rất hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc PCSDDTE vẫn còn thấp, trình độ nhận thức của họ còn hạn chế. Theo dõi sự tăng trưởng của trẻ em đòi hỏi cán bộ y tế cũng như cộng tác viên phải cân trẻ hàng tháng. Nếu gặp thời tiết xấu hoặc dân bận làm mùa, họ không đưa trẻ đến cân được thì việc phải đi đến từng nhà và  đợi họ về là chuyện thường tình đối với những người làm công việc này. Thế nhưng, nguồn phụ cấp cho cộng tác viên hiện quá thấp (chỉ 10.000 đồng /tháng). Điều đó phần nào làm giảm sự nhiệt tình của đội ngũ làm công tác PCSDDTE.

 

Mặt khác, dù có chỉ đạo của huyện nhưng một số ban điều hành xã triển khai chưa đồng bộ nên các địa phương này tỷ lệ giảm SDD ở trẻ em còn rất thấp. Sau khi tách ra thành 3 đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới của ngành y tế, việc  triển khai chương trình có sự xáo trộn: cán bộ chuyên trách PCSDDTE phải sắp xếp lại; tuyển cộng tác viên mới thì cần phải đào tạo, tập huấn lại. TTYTDP Sơn Hòa đã phải hỗ trợ 6 triệu đồng cho việc này. Việc tách các đơn vị độc lập nhau còn bất tiện trong việc thực hiện chương trình vì phải có sự hiệp thương với nhau.

 

Ngoài ra, nhiều gia đình có trẻ SDD yêu cầu cơ quan chuyên môn tư vấn một cách có khoa học nhất thì TTYTDP vẫn chưa đáp ứng được. Trong khi đó, phần mềm về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ của Bộ Giáo dục – Đào tạo đang được các nhà trẻ áp dụng. Phần mềm này giúp tính toán cụ thể  cho từng trường hợp và có lời khuyên cụ thể cho từng đối tượng trẻ em về chế độ ăn uống, sinh hoạt… Điều này sẽ tác động một cách khoa học và mang tính bền vững cho chương trình PCSDDTE. Bác sĩ Tiến tha thiết: “Chúng tôi đang rất cần được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua máy vi tính và cài đặt phần mềm về bữa ăn dinh dưỡng hợp lý”.

 

NHỮNG QUYẾT TÂM

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà kiêm Trưởng Ban điều hành PCSDDTE Sơn Hòa Nguyễn Thị Minh Tựa cho biết: “Năm 2006, chương trình PCSDDTE ở Sơn Hòa tác động chủ yếu đến đối tượng trẻ thiếu 1- 2 lạng. Công tác truyền thông, hướng dẫn đến từng gia đình có trẻ dưới 5 tuổi luôn là công việc thường xuyên của chương trình. Nhưng nếu muốn có kết quả bền vững thì Ban điều hành huyện phải phân công cán bộ cùng ban điều hành xã làm công tác quản gia: quan tâm đốc thúc các bà mẹ để trẻ thoát hẳn, không tái SDD. Trong thời gian tới, việc tăng cường sự chỉ đạo của UBND huyện, huyện ủy, chính quyền các xã để chương trình có thêm sức mạnh là hết sức cần thiết. Chương trình PCSDD sẽ bám sát chương trình hành động của huyện ủy, nhất là đảng viên và cán bộ chủ chốt. Việc phân công cán bộ chủ chốt của đơn vị, đảng viên trong đơn vị phụ trách từng cụm, từng thôn sẽ giúp cho những năm sau vẫn giữ được kết quả như hiện nay”.

 

Sắp tới, TTYTDP cũng sẽ làm việc với Phòng Y tế huyện để phối hợp tẩy giun cho trẻ em cũng như các bệnh liên quan tới SDDTE…

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek