Thứ Năm, 10/10/2024 02:22 SA
Sử dụng insulin điều trị bệnh tiểu đường
Thứ Hai, 16/11/2009 14:30 CH

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh lý do rối loạn chuyển hóa glucose dẫn đến đường glucose trong máu tăng cao. Sự gia tăng nồng độ glucose máu trong một thời gian dài dẫn đến nhiều tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể gây nhiều biến chứng nặng nề và có thể tử vong.

 

dieu-tri-dai-thao-duong.091.jpg

Điều trị bệnh đái tháo đường ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. - Ảnh: T.THỦY

 

Hiện nay, bệnh tiểu đường là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý gây tử vong cho con người. Nguyên nhân gây tăng đường máu là do thiếu hụt insulin hay không có insulin trong máu, còn nguyên nhân nào dẫn đến các tế bào beta của tuyến tụy không tiết hoặc tiết không đủ nhu cầu insulin cho cơ thể thì đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi. Viêm tụy, béo phì, di truyền... là các yếu tố có liên quan đến sự thiếu hụt insulin trong máu. Căn cứ vào mức độ thiếu hụt insulin trong máu người ta chia tiểu đường làm 2 týp. Týp I, tiểu đường phụ thuộc insulin. Týp II, tiểu đường không phụ thuộc insulin. Đối với tiểu đường phụ thuộc insulin thì sử dụng insulin là bắt buộc trong điều trị, còn tiểu đường týp II chỉ sử dụng insulin trong trường hợp các liệu trình điều trị khác không hiệu quả. Hiện nay, bệnh tiểu đường đang có xu hướng tăng nhanh trong cộng đồng dân cư, nhất là ở những nơi có mức sống cao. Theo số liệu thống kê ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường từ 2,7 % - 5% dân số tùy theo từng khu vực, trong đó phần lớn là tiểu đường týp II.

 

Trong điều trị bệnh tiểu đường nói chung, tiểu đường týp II nói riêng phải phối hợp ba trị liệu bao gồm chế độ ăn, tập luyện và thuốc. Chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường phải thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa với yêu cầu đảm bảo cân đối nhu cầu năng lượng cho cơ thể hoạt động nhưng không làm quá tải cho tuyến tụy (không để tụy làm việc quá mức). Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để kích thích tế bào nhạy cảm với insulin, đồng thời giúp “đốt” glucose trong máu, giảm cân (những người bị béo phì). Sử dụng phối hợp các thuốc kích thích tụy tạng tiết insulin, các thuốc làm tăng khả năng sử dụng insulin của tế bào và thuốc ức chế hấp thụ gluxit qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đối với những người bị bệnh tiểu đường týp II đến một giai đoạn nào đó các thuốc sẽ không còn “đủ sức” kích thích tụy tiết insulin được nữa thì sử dụng insulin là biện pháp bắt buộc.

 

Nhu cầu insulin trong 24 giờ ở người bình thường là 0,7-0,8 đơn vị/kg. Vì insulin là một chất đạm (protein) nên khi uống vào đường tiêu hóa sẽ bị phân hủy do đó phải dùng theo đường tiêm. Hiện nay, có nhiều loại insulin tùy theo cách phân loại. Nếu dựa vào nguồn gốc, có hai loại là insulin động vật (insulin lợn, bò tiết xuất từ tụy lợn, bò) và insulin “người” được sản xuất bằng công nghệ sinh học cao cấp. Nếu dựa vào thời gian tác dụng của insulin, người ta chia insulin thành các loại sau: insulin tác dụng nhanh, khi tiêm dưới da thời gian tác dụng là sau 30 phút, đạt tác dụng tối đa 2-4 giờ và kéo dài tác dụng khoảng 6-8 giờ. Loại này dùng tiêm tĩnh mạch, dưới da, tiêm bắp khá thuận tiện trong trường hợp cần giảm đường nhanh trong máu như trường hợp cấp cứu do tăng đường máu. Nhưng do thời gian tác dụng ngắn nên phải tiêm nhiều lần trong ngày. Insulin tác dụng trung gian hay insulin bán chậm, loại này có các biệt dược như insulin NPH (Neutral Protamine Hagedorn) dạng nhũ dịch, tiêm dưới da, tác dụng 1-4 giờ sau khi tiêm, đạt đỉnh tác dụng sau 8-10 giờ và thời gian tác dụng kéo dài 12-20 giờ. Insulin Lente dạng nhũ dịch, tiêm dưới da, bắt đầu tác dụng 2-4 giờ sau khi tiêm, đỉnh tác dụng 8-12 giờ và kéo dài 12-20 giờ, vì vậy có thể sử dụng insulin Lente thay cho insulin NPH; Insulin tác dụng chậm có insulin kẽm tác dụng rất chậm (Ultralente insulin), tiêm dưới da, tác dụng xuất hiện sau khi tiêm 4-6 giờ, kéo dài tác dụng trên 30 giờ, loại này có ưu điểm chỉ cần tiêm 1 mũi sẽ cho tác dụng 24 giờ trong ngày. Do tác dụng kéo dài, khó tính liều, nên hiện nay hầu như người ta không dùng loại này nữa. Insulin pha trộn (insulin mixtard) là loại insulin trộn giữa 2 loại insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng trung gian theo một tỉ lệ nhất định. Ưu điểm của loại này có hai tác dụng là giảm đường máu sau ăn do insulin tác dụng nhanh, và tác dụng kéo dài do insulin tác dụng trung gian đảm nhận, phù hợp hơn với sinh lý.

 

Insulin được dùng cho mọi thể tiểu đường, liều lượng tùy theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Nhìn chung, insulin rất ít độc, nhưng cũng có thể gặp các tác dụng không mong muốn như  hạ đường huyết do tiêm quá liều, hoặc tiêm insulin xong nhưng ăn muộn (vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, co giật, thậm chí hôn mê); dị ứng có thể xuất hiện sau khi tiêm lần đầu hoặc sau nhiều lần tiêm, tỉ lệ dị ứng thấp; phản ứng tại chỗ tiêm gây ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm. Để tránh tác dụng này cần thay đổi vị trí tiêm thường xuyên và các mũi tiêm cách nhau 3-4cm.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung Tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xử lý nước bằng Cloramin B
Thứ Hai, 16/11/2009 09:34 SA
6 lý do tại sao cảm lạnh “ở lại”
Thứ Tư, 11/11/2009 11:10 SA
Phòng, điều trị đau mắt đỏ
Thứ Hai, 02/11/2009 09:00 SA
Không được chủ quan với cúm A(H1N1)
Thứ Bảy, 31/10/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek