Thứ Năm, 10/10/2024 02:28 SA
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt
Thứ Sáu, 13/11/2009 07:20 SA

Sau thiên tai, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng là những nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy cấp, lỵ, thương hàn, viêm kết mạc mắt… Đặc biệt, nguy cơ mắc sốt xuất huyết, cúm A (H1N1) là rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của mọi người và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể là ổn định cuộc sống, tổng vệ sinh môi trường. Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, mọi người nên thực hiện tốt những biện pháp sau đây:

 

bs-hau.091113.jpg

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) khám bệnh cho nhân dân xã An Định (Tuy An) sau bão lũ - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

Tuyệt đối phải ăn chín uống sôi vì sau bão lụt, hầu hết các nguồn nước nhất là nước giếng khơi  đều bị ô nhiễm bởi xác gia súc, gia cầm, phân người, động vật, các rác thải sinh hoạt xâm nhập vào giếng do lụt. Đây là nguyên nhân gây các bệnh như tả, thương hàn, lỵ, tiêu chảy cấp. Nếu bắt buộc phải dùng nước trong các giếng đã bị ngập thì phải xử lý bằng những cách sau đây: Đánh phèn, dùng phèn chua với liều lượng hòa 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) vào 20 lít nước (dùng can nhựa để đo lượng nước cần đánh phèn), hay múc một gáo nước hòa tan hết lượng phèn tương ứng với thể tích nước cần làm trong, sau đó cho vào chum, vại, lu, thạp hay thùng nước, khuấy đều chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì lấy vải sạch để lọc nước, loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong. Khử trùng nước bằng hóa chất Cloramin B 0,25g, mỗi viên Cloramin B hàm lượng 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước. Nếu dùng Cloramin B bột thì dùng với liều lượng 10mg/lít. Ví dụ: Một thùng nước 30 lít cần 0,3g bột Cloramin B loại 27% clo hoạt tính. Các giếng khơi bị ngập lụt cần đảo giếng, khử trùng bằng Cloramin B trước khi dùng.

 

Vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, xung quanh nhà, xử lý tốt rác, nhất là xác động vật bằng cách đào hố chôn rác và xác súc vật, khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi, nhất là muỗi vằn phát triển.

 

Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, tuyệt đối không ăn rau sống, không sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, biến chất, các loại rau quả đã bị úa vàng, ngập nước, thịt các loại gia súc, gia cầm chết.

 

Mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt, dùng nhang xua muỗi, diệt muỗi vì hiện nay nguy cơ tái bùng phát sốt xuất huyết là rất lớn.

 

Phòng chống các bệnh về đường hô hấp bằng cách mặc ấm, giữ kín vùng ngực, cổ; không tắm nước lạnh nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính như hen phế quản, cao huyết áp... Uống nước trà nóng hay trà gừng rất tốt cho sức khỏe.

 

Phòng bệnh về mắt và các bệnh ngoài da khác như viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm da do nấm, nấm kẽ chân, kẽ tay.

 

Song song với các biện pháp trên, phòng chống đuối nước là điều cần hết sức chú ý, nhất là trong tình hình mực nước còn cao ở các sông suối, ao hồ, nước lụt còn chia cắt các vùng dân cư. Tuyệt đối không cho trẻ em và người lớn tuổi ra khỏi nhà ở các vùng còn ngập nước. Các trục giao thông, cầu cống còn ngập nước phải có lực lượng chốt chặn, có biển báo nguy hiểm và kiên quyết không cho người qua lại nếu thấy chưa thật sự an toàn.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek