Thứ Năm, 10/10/2024 08:26 SA
Dinh dưỡng cho trẻ em miền núi:
Thiếu chất ngay từ bữa ăn
Thứ Hai, 19/10/2009 10:00 SA

Nhà Kso Hờ Din (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) có 10 người, nhưng thức ăn chính hàng ngày chỉ có lá sắn kho với muối, ớt. Hôm nào chồng Hờ Din câu được cá thì bữa ăn của cả nhà mới được cải thiện. Con gái Hờ Din bị suy dinh dưỡng, hai tuổi nhưng cân nặng chưa đến 8 kg.

 

bua-an-3.091019.jpg

Bữa cơm nhà Kso Hờ Din chỉ toàn cơm trắng với lá sắn kho muối, ớt. - Ảnh: T.THỦY

 

Gần nhà Hờ Din, đứa cháu ngoại Ma Mau 4 tuổi cũng chỉ ăn sắn củ giã nát trộn với trái điều, ớt làm thành món nộm. Hay như 4 đứa con nheo nhóc của Kpá Hờ Vứ (Mí Linh), toàn ăn cơm nguội vì mẹ đi làm ăn xa. 

 

Tính đến thời điểm tháng 9/2009, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em miền núi vẫn ở mức cao. Mức cao nhất (trên 30%) thuộc về 15 xã của 3 huyện miền núi Sơn Hòa (Cà Lúi: 46,51%, Suối Trai: 36,63%); Đồng Xuân (Phú Mỡ: 48,31%, Xuân Lãnh: 33,96%); Sông Hinh (Ea Trol: 42,53%, Sông Hinh: 39,20%, Ea Bá: 38,6%)…

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, phụ trách chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, cho biết: Thực hành dinh dưỡng cho các xã miền núi được tổ chức rất nhiều, nhưng hiệu quả vẫn thấp, vì các bà mẹ người dân tộc thiểu số làm theo không đúng. Về kiến thức, nhiều bà mẹ gần như thuộc làu, song rất ít người thực hành. Họ bảo suy dinh dưỡng đâu có... chết liền, trong khi chính suy dinh dưỡng sẽ gây nên nhiều bệnh khác.

 

Nhiều người luôn lấy lý do là nghèo, bận công chuyện nên không có thời gian chăm sóc con. Bên cạnh đó, một phần do công tác tuyên truyền chưa nhấn mạnh vấn đề quan trọng về dinh dưỡng, hạn chế về mặt kỹ năng. Đặc biệt, cho đến nay chưa có chương trình nào thật sự đầu tư có hiệu quả trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em miền núi. Hiện chỉ có hỗ trợ cho cộng tác viên 40 xã trọng điểm phòng chống suy dinh dưỡng. Trong đó, công tác tuyên truyền là chính, chưa có hỗ trợ đặc biệt để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ…

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, muốn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hiệu quả không chỉ đầu tư về dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ, mà cần có sự hiểu biết về cách chăm sóc thai nhi để đạt mức tăng cân 10-12kg trong thời gian có thai. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, dặm) từ tháng thứ 5. Tô màu chén bột, tăng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng). Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày; trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một năm; phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp); thực hiện tiêm phòng đầy đủ; chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh; phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) để có thêm thực phẩm cải thiện bữa n gia đình. Chú ý nuôi gà, vịt đẻ trứng, trồng rau ngót, đu đủ, gấc. Phấn đấu bữa ăn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng, lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước, các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng. Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ăn không là nguồn gây bệnh...

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek