Bạn đã từng đi hiến máu chưa? Bạn có quan tâm đến những người xung quanh mình? Bạn có biết gì về bệnh rối loạn đông máu di truyền Hemophilia? Nhân ngày 7/4, ngày Toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, đồng thời hướng tới 17/4 là ngày Hemophilia thế giới, 14/6 là ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu tình nguyện, xin được chia sẻ đến với những người tình nguyện đã từng hiến máu cứu người và cả những ai chưa từng tham gia hiến máu nhân đạo
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đo huyết áp kiểm tra sức khỏe các tình nguyện viên trước khi hiến máu - Ảnh: NGỌC DUNG |
Hemophilia là bệnh ưa chảy máu, máu không đông được do bị thiếu hụt yếu tố đông máu. Đây là một bệnh di truyền qua nhiễm sắc thể giới tính, con trai mắc bệnh, con gái thì mang gen bệnh. Nếu thiếu yếu tố VIII được gọi là bệnh Hemophilia A, nếu thiếu yếu tố IX thì được gọi là bệnh Hemophilia B. Biểu hiện của bệnh Hemophilia là chảy máu, chủ yếu là chảy máu trong cơ, khớp, thậm chí xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa. Bệnh không chữa khỏi được và hậu quả của bệnh thì hết sức trầm trọng, người bệnh sẽ sớm bị teo cơ, cứng khớp, không thể làm việc và sinh hoạt được. Nhìn chung nếu không được bù các yếu tố bị thiếu hụt thì bệnh nhân dễ bị tử vong. Bệnh nhân có thể có được đời sống hoàn toàn bình thường khi được bù đắp đủ một cách thường xuyên các yếu tố đông máu mà cơ thể họ bị thiếu hụt. Các yếu tố đó (yếu tố VIII và IX) có thể lấy được từ người bình thường. Hiện nay, ở Việt
Có thể sẽ có những băn khoăn đối với những người hiến máu, đó là xét nghiệm nhanh đối với người hiến máu có cho ra kết quá chính xác không? Có những bệnh như HIV/AIDS chẳng hạn, giai đoạn “cửa sổ” kéo dài hàng tháng thì làm sao biết được máu hiến có đủ tiêu chuẩn? Xét nghiệm nhanh về cơ bản là cũng tốt, tiết kiệm được về mặt thời gian. Tuy nhiên, về độ nhạy để có thể sàng lọc được các virus HBV, HCV (viêm gan siêu vi B, siêu vi C), HIV để hiến máu thì chưa thực sự yên tâm. Bởi vậy trong quy chế truyền máu năm 2007 do Bộ Y tế ban hành quy định không nên sàng lọc đơn vị túi máu bằng test nhanh mà phải sử dụng các kỹ thuật theo nguyên lý ELISA trở lên . Bằng kỹ thuật ELISA thì khoảng “cửa sổ” của HIV là hơn ba tháng. Xu hướng trong tương lai sẽ sử dụng những kỹ thuật sàng lọc theo nguyên lý sinh học phân tử (như NAT) thì khoảng “cửa sổ” sẽ được rút ngắn hơn, điều đó rất có lợi cho việc an toàn truyền máu. Hiện nay, tại các trung tâm truyền máu (như ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Trung tâm Huyết học truyền máu Huế, Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Huyết học truyền máu Cần Thơ) và các khoa xét nghiệm thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh hoàn toàn có thể đủ điều kiện để đánh giá máu có đủ tiêu chuẩn hay không trước lúc sử dụng cho người bệnh.
Có những thắc mắc khác như hiến máu thì gần như miễn phí, nhưng tại sao người bệnh phải trả tiền?
Trước hết, phải xác định bệnh nhân được truyền máu cũng như sử dụng bất cứ một loại dịch vụ nào khác để chữa bệnh cũng phải trả tiền một cách bình đẳng. Để có một đơn vị máu an toàn truyền cho người bệnh hiện nay nếu tính đúng, tính đủ thì phải mất rất nhiều tiền. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân khi dùng máu chỉ phải trả cho một đơn vị máu 250ml là 260.000 đồng (bao gồm các chi phí như túi chất dẻo đựng máu, chi phí các hóa chất để xét nghiệm máu… ). Như vậy, trong thực tế Nhà nước còn phải bù lỗ rất nhiều để có máu phục vụ cho bệnh nhân. Đây là một chính sách hết sức ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Tiền để trả cho đơn vị máu khi dùng trong bệnh viện đã được bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ; riêng những người nghèo Nhà nước đã có chính sách mua bảo hiểm y tế. Như vậy, xét đến cùng, với số tiền như trên, thực sự không trở thành gánh nặng cho người bệnh.
Về người hiến máu tình nguyện không trả tiền, Thông tư 40 của Bộ Tài chính quy định về quyền lợi của người hiến máu bao gồm hỗ trợ đi lại, ăn nhẹ, xét nghiệm, tư vấn miễn phí, nhận phần quà, giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện để trong suốt cuộc đời của họ nếu cần truyền máu thì sẽ được Nhà nước cam kết bồi hoàn toàn bộ số lượng máu đã hiến miễn phí. Nếu tính đúng, những người hiến máu tình nguyện không nhận tiền sẽ được hưởng nhiều quyền lợi và tổng số đó còn cao hơn nhiều so với những người bán máu (bán 250ml máu chỉ được nhận 140.000 đồng).
Cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng mất một giọt máu thì ăn bao nhiêu lại cho đủ (đặc biệt là các bà mẹ), số ít lại bảo hiến máu là tốt vì kích thích quá trình tái sinh tế bào hồng cầu mới mạnh khỏe hơn. Vấn đề này cần hiểu: Máu là rất quý cho sức khoẻ chúng ta. Mất máu thì có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, hiến máu theo sự hướng dẫn của thầy thuốc hoàn toàn không có hại. Một người có thể hiến được khoảng 9ml cho một kg cân nặng; đối với người cân nặng 45 kg hiến 250ml thì vẫn bình thường; đồng thời sau ba tháng có thể hiến máu nhắc lại. Có thể đảm bảo rằng nếu làm đúng như vậy hoàn toàn không bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cảm thấy hết sức thoải mái vì đã làm được một việc có ích cho cộng đồng xã hội, bởi “máu cứu người có ngay trong chính trái tim của mỗi chúng ta”. Mặt khác, sau khi hiến máu xong, cơ thể của chúng ta được sản sinh ra một số lượng lớn các tế bào máu mới có sức sống hơn; chúng ta có thể có cảm giác ngủ ngon hơn, ăn uống tốt hơn… Ngoài ra, tinh thần sẽ cảm thấy rất thoải mái vì mình đã làm được một việc nhân đạo hết sức có ý nghĩa, điều này cũng rất có lợi cho sức khoẻ.
Có người tâm sự: “Tôi cũng không ngại cho máu, nhưng cứ nghĩ đến xét nghiệm máu, nhỡ lại phát hiện ra mình bệnh gì đó thì cũng sợ, nên muốn làm nhân đạo cũng ngại”. Việc này cần phải có một suy nghĩ nghiêm túc, có trách nhiệm vì nếu không tham gia hiến máu nhân đạo thì định kỳ cũng nên đi kiểm tra sức khoẻ để bảo vệ cho bản thân, những người thân trong gia đình. Mọi người khỏe mạnh đều có thể tham gia hiến máu.
LÊ THẾ MINH
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên