Hỏi: Ở vùng chăn nuôi gia súc, chúng tôi thường được nhắc nhở phải đề phòng bệnh sốt do xoắn trùng Leptospira. Xin cho biết đôi nét về bệnh này.
Phạm Văn Hạnh (huyện Sông Hinh)
Trả lời: Bệnh sốt do xoắn trùng Leptospira là một bệnh lây truyền từ động vật đến người. Bệnh do vi khuẩn Leptospira gây ra (một loại vi khuẩn hình xoắn) và có nhiều chủng loại khác nhau. Độc hại nhất là Leptospira ictero-haemorragiae gây xuất huyết, vàng da; một số loài Leptospira khác gây bệnh nhẹ hơn là L. bataviae, canicola,
Động vật mang mầm bệnh thường thấy là các loài gặm nhấm (chuột), các loại gia súc (trâu, bò, heo, ngựa,...) và cả những vật nuôi trong nhà (chó, mèo). Leptospira có thể tồn tại trong nước tiểu các con vật mang bệnh này trong nhiều năm. Người bệnh bị lây nhiễm do tiếp xúc với các bệnh phẩm như nước tiểu, khi vuốt ve, vệ sinh cho chúng, khi tiếp xúc với chuồng trại hoặc các thức ăn của chúng đã bị nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn xâm nhập cơ thể thông qua các vết xây xát trên da nhưng không làm biến đổi thêm các tổn thương đó nên ít được bệnh nhân để ý đến. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Phần lớn xảy ra do tính chất nghề nghiệp, phải tiếp xúc thường xuyên như làm đồng áng, nạo vét cầu cống, vệ sinh chuồng súc vật,... Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dân thành phố mắc bệnh do du lịch sinh thái về các vùng nông thôn, tắm sông, suối, ao hồ, cắm trại.
Triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm: nóng lạnh, nhức đầu, đau nhức bắp cơ, mắt đỏ, nôn mửa, sau đó lá lách và gan bị tổn thương gây ra chứng vàng da. Tuy ít ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, song nhiễm Leptospira gây ra các tổn thương ở nhiều cơ quan: gây hoại tử cơ, hoại tử ống thận cấp có thể dẫn đến suy thận cấp; tổn thương gan, viêm và xuất huyết khu trú ở tim, phổi; gây tổn thương (không nguy hiểm lắm) ở não và màng não. Đặc biệt phụ nữ mang thai bị nhiễm Leptospira có thể sẩy thai.
Các biểu hiện của bệnh thường giống với nhiều bệnh nhiễm trùng khác, do đó thường chỉ được chẩn đoán khi có nghĩ đến và cho làm các xét nghiệm cần thiết.
Bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, điều trị hỗ trợ bằng dinh dưỡng, vitamin, hạ sốt, giảm đau.
Phòng bệnh chủ yếu là phòng hộ lao động cho những đối tượng thường phải tiếp xúc với nguồn lây như công nhân làm việc tại các trại gia súc, công nhân vệ sinh cầu cống, làm việc trong hầm mỏ...; không tắm gội tại các vùng ao tù, nước đọng, nơi gia súc thường tắm, lội.
BS ĐOÀN VĂN HẢI