Theo các chuyên gia y tế, béo phì gây ra nhiều vấn đề trầm trọng đối với sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau. Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng.
Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người châu Á. Nguồn: aihealth |
Không thể coi thường
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, gây ra nhiều bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, tăng lipid máu, thoái hóa khớp, gây nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống, giảm thời gian sống...
Đáng chú ý, số người bị béo phì ngày càng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng từ 1975-2015 cho thấy: Tần suất thừa cân, béo phì ở người lớn là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên 15% vào năm 2015; tỉ lệ béo phì ở thành thị chiếm 22,1%, cao gấp gần 2 lần so với nông thôn.
Lối sống của người Việt thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây: ít vận động hơn, khẩu phần có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản. Gần đây, điều đáng lo ngại là tỉ lệ thừa cân, béo phì ở độ tuổi từ 5-19 đã tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020), trong đó tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Hiện có nhiều nguyên nhân gây bệnh béo phì, gồm nguyên nhân từ dinh dưỡng (tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn quá nhiều, lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể), nguyên nhân từ di truyền, nội tiết, mô bệnh học, sử dụng thuốc và nguyên nhân từ lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực... Bệnh béo phì có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp.
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh béo phì, như dựa vào chỉ số khối cơ thể (Body mass index - BMI), đo vòng bụng, phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép - được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá lượng mỡ cơ thể. Phương pháp phổ biến nhất được WHO khuyến cáo là dựa vào chỉ số BMI. BMI = Cân nặng/(Chiều cao)2.
Căn cứ vào chỉ số BMI, có thể biết người đó thiếu cân, thừa cân, béo phì hay có cân nặng lý tưởng. Công thức BMI chỉ áp dụng cho người trưởng thành (trên 18 tuổi), không áp dụng cho phụ nữ mang thai, người tập thể hình... và có sự thay đổi ở các quốc gia.
Béo phì được các tổ chức y tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính, cần phải quản lý và điều trị lâu dài. Việc quản lý và điều trị bệnh béo phì không chỉ nhằm giảm cân mà còn giảm nguy cơ các biến chứng và cải thiện sức khỏe.
Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn, bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý. Do béo phì là một bệnh mạn tính nên người bệnh cần quản lý cân nặng suốt đời. Điều trị tốt bệnh béo phì có thể giúp giảm nhu cầu điều trị bệnh đồng mắc.
Giảm béo bằng phương pháp cấy chỉ
Nhiều phương pháp điều trị béo phì được áp dụng, từ tiết thực, vận động, tâm lý liệu pháp, dùng thuốc đến phẫu thuật (đặt vòng thắt dạ dày, tạo hình dạ dày ống đứng, nối tắt dạ dày, phân lưu mật tụy, đảo dòng tá tràng, tạo hình dạ dày...).
Theo ThS, bác sĩ Trần Thị Hoàng Oanh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - CNTT - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, trong y học cổ truyền có phương pháp điều trị giảm béo hiệu quả mà không can thiệp nhiều, đó là cấy chỉ.
Được coi là bước tiến của châm cứu, phương pháp cấy chỉ kế thừa nền tảng lý luận và kinh nghiệm của châm cứu cổ truyền, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Để điều trị giảm béo bằng phương pháp này, thầy thuốc đưa những đoạn chỉ tự tiêu vào một số huyệt vị dưới da, kích thích các cơ quan, tuyến bài tiết đào thải lượng mỡ thừa trong cơ thể, làm tăng chuyển hóa tại chỗ giúp tiêu mỡ bụng và toàn thân.
Bác sĩ Oanh cho biết: “Tùy theo vùng cơ thể mà thầy thuốc có phác đồ huyệt khác nhau. Và tùy theo loại chỉ, thầy thuốc tư vấn cho bệnh nhân liệu trình điều trị”.
Từ tháng 5/2023, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên triển khai điều trị giảm béo bằng phương pháp cấy chỉ, đến nay đã điều trị hơn 20 trường hợp, phần đông ở độ tuổi trung niên, ít vận động. Trong số này có một bệnh nhân (trú TP Tuy Hòa) trước khi cấy chỉ, vòng bụng 106cm.
Sau 4 lần cấy chỉ giảm béo, vòng bụng giảm còn 92cm. Điều trị giảm béo bằng phương pháp cấy chỉ, người bệnh béo phì tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo quy định.
Ngoài việc mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, một ưu điểm khác của việc điều trị giảm béo bằng phương pháp cấy chỉ là tác dụng phụ (nếu có) cũng không nghiêm trọng như một số phương pháp khác. Bác sĩ Oanh cho biết: “Tác dụng phụ có thể gặp là sưng nhẹ, đau nhẹ ở vùng cấy. Tuy nhiên, những kích ứng này sẽ mất đi khi chỉ tan”.
Điều cần nhớ là, sau khi thực hiện giảm béo, giảm cân, để duy trì hiệu quả lâu dài thì phải kết hợp với chế độ ăn uống và vận động thể lực. Đối với người thừa cân béo phì, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, vận động thể lực phù hợp là vô cùng cần thiết.
Béo phì là một bệnh mạn tính gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Điều trị giảm béo bằng phương pháp cấy chỉ đã được triển khai tại nhiều bệnh viện trong nước, trong đó có Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Phương pháp này an toàn, giúp cho cơ thể chuyển hóa và đào thải lượng mỡ thừa.
BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên |
YÊN LAN